“Giấc mơ tỷ USD” từ xuất khẩu game
Năm 2020 sẽ đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam trong xuất khẩu game ra thị trường quốc tế.
Giấc mơ 1 tỷ USD
Từ những năm 2011 - 2012, Việt Nam đã có những game xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cụ thể, năm 2011, VNG xuất khẩu game Pig Farm sang Nhật Bản. Sau đó, game Khu vườn trên mây (Sky Garden) của doanh nghiệp này cũng được xuất sang Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là 2 tựa game đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất và xuất khẩu.
Năm 2012, Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) đã ký hợp đồng xuất khẩu bản quyền phát hành 2 game online tại 10 quốc gia châu Âu và Mỹ La-tinh...
Đặc biệt, sự thành công, độ nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông trên toàn thế giới nhờ Flappy Bird vào tháng 1/2014 đã thổi bùng lên tham vọng vươn ra biển lớn của hầu hết các studio/game tại Việt Nam. Sau thành công này, tựa game gMO 3D “Made in Vietnam” đầu tiên là Chiến binh CS của JOY Entertaiment và Tem Phép Thuật của AvaGame Studio cũng hợp tác với Appota để đưa ra thị trường quốc tế sau những thành công trong nội địa.
Năm 2017, ông Lê Hồng Minh, CEO VNG đã từng dự đoán, đến năm 2027, Việt Nam sẽ xuất khẩu và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ game. Nhưng khoảng 3 năm gần đây, game ngoại từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… tràn ngập thị trường, trong khi đó, năng lực sản xuất game của các doanh nghiệp Việt lại không theo kịp, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường khiến “giấc mơ” xuất khẩu game Việt bị chặn lại.
Thị trường game Việt Nam dần rơi vào tay các nhà phát hành nước ngoài, trở thành cuộc chiến không cân sức giữa VNG, Appota, Soha Game với các “ông lớn” như Garena (hậu thuẫn bởi Tencent Trung Quốc), Gamota (Hàn Quốc).
Xuất khẩu game “tái xuất”
Những tưởng, “giấc mơ” xuất khẩu game đã bị quên lãng, thì mới đây, VNG công bố một kế hoạch lớn: trở thành nhà phát hành game toàn cầu và xuất khẩu game sang các thị trường lớn.
“Mục tiêu và kế hoạch trong thời gian tới của VNG chính là trở thành nhà phát hành toàn cầu và kế hoạch sắp tới, ngoài khu vực ASEAN, chúng tôi còn hướng đến châu Mỹ, đặc biệt là khu vực Mỹ La-tinh”, ông Chace Vanderwolk William, Trưởng bộ phận phát hành trò chơi thị trường quốc tế của VNG cho biết.
Còn theo ông Bùi Minh Phương, Giám đốc bộ phận phát hành games VNG, ngoài các sản phẩm tự sản xuất, VNG còn mua bản quyền, phát hành các game xuất khẩu. VNG sẽ chọn những khu vực, vùng có số lượng người chơi lớn, có tiềm năng nhất để phát triển.
Hiện VNG có 6 game Studio và mạng lưới đối tác rộng trên thế giới. Doanh nghiệp này cũng tự sản xuất và phát triển 50 - 60%. Nếu tính trên quy mô người chơi, tỷ trọng người chơi game do VNG tự phát triển chiếm 70 - 80%. Sản phẩm chủ lực xuất khẩu năm 2020 của VNG sẽ là game của SNK Mobile, với kỳ vọng có được 10 triệu người dùng tại khu vực Đông Nam Á và Mỹ La-tinh, đạt 30 triệu người dùng sau 3 năm phát hành.
“Giai đoạn này, game tự phát triển chỉ mới bước ra thị trường thế giới, nên VNG đang tập trung vào việc kiếm người chơi. Kỳ vọng 2 năm tới, game tự phát triển sẽ có doanh thu vượt game mua bản quyền và phát hành. Đó là một giấc mơ lớn của những người làm game Việt”, ông Phương chia sẻ.
Công ty nghiên cứu thị trường NewZoo dự báo, đến năm 2022, thị trường game di động trên toàn thế giới sẽ đạt 79,7 tỷ USD trên tổng quy mô 152,1 tỷ USD toàn ngành game.
Tại Đông Nam Á, game di động từ quy mô 3,2 tỷ USD trong năm 2019 có thể tăng lên đến 6,1 tỷ vào năm 2022
Ngoài VNG, nhiều studio khác của Việt Nam đang âm thầm xuất khẩu game trên ứng dụng Google Play, App Store. Các studio này có từ 10 - 200 người, sản xuất những game nhỏ, thu 0,5 - 1 USD từ người chơi và dễ dàng kiếm 10 đến 20 triệu USD/năm.
Một số game xuất hiện trên top tải game của Google như: OneSoft, Athena, Amanotes, TopeBox, DivMob, WolfFun, Spirit Bomb… Trong đó, OneSoft có tới 10 triệu người dùng/tháng, 90% doanh thu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Amanotes có 15 game đang vận hành và khoảng 40 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, 70% khách hàng đến từ EU và Mỹ…
Ông Ngô Minh Quân, CEO Spirit Bomb đánh giá, thị trường Việt Nam nhỏ và bị cạnh tranh mạnh bởi các game lớn, như từ Trung Quốc, năng lực sản xuất của các studio Việt chưa đủ mạnh, chưa bắt được nhu cầu, kỹ thuật cũng như thanh toán để chinh phục người dùng trong nước. Bên cạnh đó, những trở ngại về thị trường, kinh doanh, thanh toán... khiến game nội địa khó cạnh tranh với các sản phẩm toàn cầu.
“Vì vậy, các công ty game nhỏ tại Việt Nam hầu hết kinh doanh ở nước ngoài là chính”, ông Quân lý giải. Spirit Bomb hiện có trong tay khoảng 20 tựa game, doanh thu chủ yếu đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Giống như Spirit Bomb, XBean cũng xác định “tấn công” ra thị trường thế giới. “Sau khi nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận thấy, nhóm khách hàng nữ tại Mỹ phù hợp với phong cách game của XBean. Để cạnh tranh, chúng tôi tạo các game nhắm vào thị trường ngách trên thế giới”, bà Phạm Nguyễn Thu Nguyên, Giám đốc tiếp thị Xbean nói. XBean cũng có 20 game ở các quy mô khác nhau và đang tìm kiếm các nhà đầu tư nhằm mở rộng thị trường ở nước ngoài.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn như VNG hay Amanotes sau khi tìm được “công thức” thành công trong việc sản xuất game cho thị trường nước ngoài đã quay lại đảm nhận thêm công việc phát hành game cho các công ty nhỏ hơn ra các thị trường quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho thị trường Việt Nam, tiếp sức và tái khởi động “giấc mơ” xuất khẩu game 1 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận