'Giấc mơ trưa' IPO của các startup Việt Nam
Ở Mỹ, những công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ như Amazon, Uber… dù lỗ nặng nhưng vẫn có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) rồi niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn tại Việt Nam, ước mơ này như giấc mơ trưa vì những ràng buộc pháp lý khó đáp ứng.
“Giấc mơ IPO với các startup ở Việt Nam khó lắm. Vì đều đang lỗ. Như ông Tiki đó, một startup công nghệ, được bao nhiêu quỹ đổ tiền vào nhưng chắc chắn không thể IPO. Vì có muốn lên thì Nhà nước cũng không cho, lên được rồi thì cũng không ai mua cổ phiếu… Ra đại chúng càng khó nữa, vì cổ đông họ không chịu được những điểm khuyết. Cứ mơ đi nhưng ba năm nữa vẫn chưa thể có gương mặt startup nào của Việt Nam IPO được”, ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập của BizUni, cũng là người đồng sáng lập của nhóm Quản trị và Khởi nghiệp bày tỏ quan điểm.
Phân tích tại hội thảo “Con đường tiến tới IPO: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) tổ chức hôm nay, 16-7, ông Chánh cho biết, cơ quan quản lý của Việt Nam hiện đặt ra hàng loạt yêu cầu đối với doanh nghiệp muốn IPO. Đó là phải đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu, về làm ăn có lãi, không lỗ lũy kế… Với doanh nghiệp lên sàn, tiêu chuẩn còn khó hơn.
Điều này cũng dễ hiểu vì Nhà nước đang muốn bảo vệ người dân, đảm bảo nhà đầu tư không mua phải “đồ rởm” trong bối cảnh kiến thức tài chính còn hạn chế, chưa hiểu hết về rủi ro, triển vọng khi đầu tư...
Đây cũng là điểm chung của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á khác và là lý do khiến tỷ lệ IPO của các doanh nghiệp nói chung còn rất thấp. "Các startup có ai làm được. Các bạn đều đang chạy chợ từng bữa thì làm sao đáp ứng được", ông Chánh nói.
Ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng phân tích Merlin Capital, thì cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Như trong cả năm 2019, có 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỉ đồng nhưng 80% số này là đổ vào mười công ty lớn. Vì vậy, cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là huy động vốn hay là gì. Nếu đang tiếp cận được vốn ngân hàng thì cứ tiếp tục, thay vì lên sàn.
Thêm vào đó, theo ông Ân, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của doanh nghiệp. Những ngành sản xuất như nhựa, bao bì… rất khó lên sàn. Nếu có thì cũng khó huy động vốn. “Muốn IPO thì phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm”, ông Ân nói.
Ông Nguyễn Ảnh Nhược Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, người đã đưa doanh nghiệp của mình lên niêm yết ở sàn chứng khoán TPHCM (HoSE) thẳng thắn: "với các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ, IPO hay lên sàn là câu chuyện khó, không phải là một sớm, một chiều có thể làm được. Vì vậy, nên tìm kiếm các công ty để sáp nhập".
Bản thân Yeah1, theo ông Tống, đã có 12 năm chuẩn bị cho việc trở thành công ty đại chúng và có định hướng ngay từ ngày đầu thành lập, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc… Và khi doanh nghiệp đã lên sàn được rồi thì gặp rất nhiều thách thức, từ việc không thể thể hiện cảm xúc cá nhân công khai đến phải trả lời cổ đông về các vấn đề.
Bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Tâm Anh, tham gia trực tuyến với hội thảo nhận định, con đường IPO với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó, với các startup lại còn thách thức hơn.
“Lúc này, sẽ có rất nhiều bên nhìn ngó mình. Sẽ có những thông tin chính thức và cả những thông tin đồn thổi, truyền miệng và gây ảnh hưởng, có thể làm doanh nghiệp mình điêu đứng”, bà Mai cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận