Giấc mơ an cư
Sở hữu một ngôi nhà dù nhỏ bé cho riêng mình là ước mơ “cháy bỏng” của những người tỉnh xa lập nghiệp tại các thành phố lớn.
Công cuộc tìm nhà
Tuấn, một người bạn từ thời cấp 3 của tôi vừa mới chân ướt chân ráo từ Hải Phòng vào TP.HCM tìm việc. Sau một thời gian ở nhờ nhà người quen và đã tìm được một công việc ổn định, Tuấn muốn tìm nhà trọ để ra ngoài ở cho thoải mái. Ban đầu, anh rất hăng hái vì sắp thực sự bắt đầu cuộc sống mới.
Công ty Tuấn làm có trụ sở tại đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức (TP.HCM), nên chúng tôi tìm nhà trọ ở những khu vực xung quanh như quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận 9 cũ, quận Phú Nhuận… cho tiện đi lại.
Tuấn bảo: “Lương của tôi mới đầu chỉ 6 triệu đồng/tháng nên chỉ dám bỏ ra từ 1 - 1,5 triệu đồng để chi phí vào chỗ ở thôi”.
Với mức chi phí trên, chúng tôi quần khắp nẻo ngõ ngách những khu vực lân cận cũng không tìm được chỗ ở phù hợp. Đi đến đâu các chủ nhà cũng xua tay bảo: “Phòng riêng giá đó thì bó tay!".
Thậm chí, một chủ cho thuê nhà bật cười vẻ thương hại rồi bảo: “ Giá ‘bèo’ như thế mà vẫn muốn ở khu vực này thì chỉ có thể ở ghép thôi em ơi!". Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông giải thích: “Nghĩa là phải ghép thêm người vào ở chung để chia sẻ bớt tiền nhà”.
Chúng tôi lại tiếp tục công cuộc tìm nhà trọ, càng tìm càng thấy thất vọng, thậm chí là kinh hãi vì có những khu chất lượng quá tồi tệ. Đứng trước một căn nhà trọ dành cho sinh viên ở quận Gò Vấp, cả hai không khỏi giật mình bởi căn nhà hai tầng dạng lắp ghép bằng khung sắt, quây lưới. Để mở rộng diện tích, chủ nhà còn làm một gác suốt tại lầu trệt thành 2 lầu…
Nhìn vào tôi thấy các sinh viên như đang bị nhốt trong một chiếc cũi chật chội, đầu lúc nào cũng trong tư thế sắp đụng trần. Thậm chí, để tiết kiệm diện tích, chủ nhà còn làm những chiếc móc để treo xe đạp lên cao.
Theo chân bà chủ nhà lên xem phòng, chúng tôi thấy một căn phòng lầu 2 được chia ra làm 3 khoang, bếp ga mini đặt ở mỗi cửa phòng. Mỗi khoang có 2 dãy giường 3 tầng cao lênh khênh và đấy cũng là “một khoảng trời riêng” khiêm tốn của mỗi người thuê ở đây. Chưa hết, bà chủ nhà còn cho biết, ở đây chỉ có 2 wc nên việc tắm rửa sẽ được phân chia theo ca. Một nhóm chỉ được tắm buổi sáng, nhóm khác tắm ca chiều, nhóm nữ tắm tối.
Lấy lý do là nơi này xa chỗ làm, chúng tôi lại tiếp tục công cuộc tìm chỗ ở tại những khu vực khác. Cuối cùng, theo lời người quen, tôi dẫn Tuấn về khu vực quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) để thuê một căn phòng có diện tích khoảng 15 m2 với giá 1,4 triệu đồng/tháng (chưa tính điện, nước).
“Dù chỗ ở mới cũng không được khang trang, sạch sẽ như những ngôi nhà xung quanh, nhưng với mức giá trên mà có chỗ ở như hiện nay là được rồi. Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền và tiết kiệm để mua một căn nhà cho riêng mình, dù nhỏ thôi cũng được”, Tuấn nói.
Thực tế, những người như Tuấn không phải là ít tại TP.HCM, và ở trọ chính là một trong những nỗi ám ảnh của những người lên thành phố tìm việc làm. Mong ước chung của những người nhập cư là mua được căn nhà để an cư, nhưng với nhiều người, đây vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Bởi để kiếm được một chỗ ở phù hợp với đồng lương của mình trong thời điểm hiện nay là rất khó.
Đơn cử như câu chuyện của vợ chồng anh Hoàng, hiện đang trọ tại quận Bình Tân, TP.HCM. Anh chia sẻ, ý định mua nhà đã hình thành cách đây 3 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng đang có khoảng cách khá xa với giá nhà. Không những vậy, anh chị đã bỏ không ít thời gian để đi tìm, nhưng không có nhiều lựa chọn. Ngay cả những dự án ở xa trung tâm cũng có giá bán khá cao.
“Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 600 triệu đồng để đi tìm những dự án chung cư có giá 1 tỷ đồng, nhưng tìm cả năm nay cũng không được”, anh Hoàng nói và cho biết thêm, từ cuối năm 2018, anh đã chạy ra khu Đông, rồi khu Tây và khu Nam, cứ ở đâu có thông tin bán nhà chung cư giá rẻ là đi coi, nhưng việc mua nhà không phải chuyện dễ. Bởi nếu có dự án giá rẻ thì cũng đã hết hàng, dự án còn hàng thì phía ngân hàng không cho vay, vì không đủ điều kiện.
"Chẳng biết bao giờ chúng tôi mới có được một ngôi nhà đúng nghĩa”, anh Hoàng than thở.
Thực tế, lo lắng trên của anh Hoàng có cơ sở, bởi không chỉ người công nhân, lao động tự do, mà ngay cả những người là cán bộ, viên chức có thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng cũng khó có thể mua được nhà trong thời điểm hiện tại.
Vì với khoản thu nhập đó, sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí, số tiền còn lại khó có thể đảm bảo nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Cụ thể, nếu lựa chọn mua căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng, mà vay ngân hàng 1 tỷ đồng với thời hạn 15 năm, thì mỗi tháng sẽ phải để ra khoảng 15 - 16 triệu đồng để trả góp cho ngân hàng. Do vậy, khả năng cán bộ, viên chức mua được căn nhà đã quá khó, chứ chưa nói gì đến những lao động tự do có thu nhập trung bình và thấp.
Niềm hy vọng chưa tắt
Mới đây, ba “ông lớn” trong ngành bất động sản, nội thất và vật liệu xây dựng đã liên kết lại để thực hiện sáng kiến xây dựng nhà ở vừa túi tiền tại các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, sáng kiến được khởi xướng bởi ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group và ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, những năm qua, đặc biệt trong năm 2020 và 2021 khi đất nước chịu tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19, đời sống của toàn xã hội đều bị ảnh hưởng, nhất là những công nhân, người lao động phổ thông… Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải.
Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết thêm, địa phương mà các doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà ở vừa túi tiền sẽ tập trung tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương. Số lượng dự kiến khoảng 100.000 căn hộ trở lại.
Đồng hành với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 500.000 căn. Trong đó, có nhiều loại hình nhà ở cho người có thu nhập thấp. Điển hình như nhà cho thuê trong khu công nghiệp, khu chế xuất; xây các dự án nhà ở xã hội ở các khu đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất (khuyến khích doanh nghiệp tham gia); nhà cho thuê của người dân…
“Sở Xây dựng cam kết hỗ trợ hết mình, rút ngắn và đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy trình đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Sở Xây dựng cũng cam kết lắng nghe, tham mưu cho TP.HCM phát triển nhà ở giá rẻ để người dân có cuộc sống tốt hơn”, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận