Giá xe ô tô Việt và câu chuyện “con gà quả trứng”
Tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành sản xuất xe nội địa nhưng nếu chưa đạt được quy mô sản lượng nhất định thì lại không thể. Điều này được ví như câu chuyện “con gà quả trứng”.
Khi VinFast công bố sẽ sản xuất ô tô thương hiệu Việt hẳn nhiều người mang niềm tin hy vọng sẽ có chiếc xe ô tô Việt giá mềm hơn xe nhập. Nhưng, xe ô tô Việt tại sao đắt ngang xe nhập?
Có một thực tế là so với trước đây, việc để sở hữu một chiếc xe ô tô không còn là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, dù có vài doanh nghiệp trong nước sản xuất ôtô và sản phẩm cũng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhưng nhiều người vẫn sẽ chọn những thương hiệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Thuế phí chiếm gần 50% giá xe xuất xưởng
Bỏ qua tinh thần ái quốc, việc nhiều người Việt không cần đắn đo để quyết định mua ngay xe sản xuất ở nước ngoài chủ yếu đến từ giá cả. Một chiếc xe ô tô cùng mẫu mã, tiện ích và đã được kiểm chứng bằng thương hiệu từ nước ngoài có giá suýt soát hoặc rẻ hơn một chiếc xe tương tự được sản xuất trong nước, thì xét về mặt kinh tế và tâm lý tiêu dùng, họ sẽ mua xe nhập khẩu.
Báo cáo cập nhật mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy,tháng 10, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà suy giảm khi chỉ bán ra thị trường được 16.406 xe, giảm 3% so với tháng trước. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu là 12.542 xe, tăng 16% so với tháng trước. Đây là tháng thứ ba doanh số xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm (12% so với cùng kỳ năm trước), trong khi các dòng xe nhập khẩu tăng tới 118% so với cùng kỳ.
Trong bảng công bố công khai bảng tính giá chi tiết giá thành sản xuất cùng các khoản thuế, phí của ba mẫu xe hiện tại là Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadilcủa VinFast vừa đưa ra những con số giật mình và khá lo lắng. Có lẽ đây là doanh nghiệp sản xuất ô tô đầu tiên công khai số liệu này.
Theo bảng cơ cấu giá thành và chi phí mà doanh nghiệp này công khai, đối với mỗichiếc xe Lux A2.0bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại có “giá vốn” là 980,6 triệu đồng, trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí như nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý.
Tuy nhiên, giải thích lý do vì sao giá xe bị đội lên cao khi bán ra, VinFast cho biết sản phẩm phải gánh thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Với tổng cộng 412,1 triệu tiền thuế, giá xe thực tế (chính là giá 3 Không ở thời điểm hiện tại) bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng.
Bảng báo cáo giá thành sản xuất ô tô VinFast lần đầu được công khai.
Như vậy, nếu nhìn vào bảng tính giá trên thì một trong những nguyên nhân là thuế suất hiện vẫn ở mức cao khiến giá ô tô bị đội lên. Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm…và đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt nên ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ góc độ kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích, khoản thuế phí bằng gần 50% giá xe xuất xưởng là bất hợp lý. Với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2018 chỉ ở mức trung bình thấp của thế giới (2.584 USD), mức thuế phí này vô hình trung làm hạn chế khả năng tăng quy mô sản xuất của doanh nghiệp ô tô nội địa.
Đây là những số liệu biết nói nói lên thực trạng rằng, nếu như không có những thay đổi mạnh mẽ dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước, thì chắc chắn sẽ rất khó có chuyện "người Việt dùng ôtô Việt" trong tương lai.
Muốn bán rẻ cũng không dễ
Bên cạnh thuế và phí thì câu chuyện tỷ lệ nội địa hoá trong ngành vẫn hụt hơi dài so với mục tiêu cũng được đặt ra. Chỉ khi một hãng xe như VinFast “dám” công bố chi tiết cơ cấu giá, người ta mới thấy rõ hơn con số cụ thể này.
Mặc dù đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 nhưng đến nay, tỷ lê này mới chỉ đạt từ 7 - 10% (duy chỉ có 1 dòng xe Innova của Toyota đạt 37%). Với chủng loại xe ô tô tải và xe chở người trên 10 chỗ ngồi (xe khách), tỷ lệ nội địa hoá xe tải nhỏ và xe buýt trên 25 chỗ đạt khoảng 45 - 50%, gần đạt mục tiêu đề ra.
Tại một số doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa có cao hơn mức bình quân nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước. Chẳng hạn, tại Trường Hải (Thaco), tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37%, trong khi mức trung bình trong khu vực là 65 - 70% và ở Thái Lan lên tới 80%.
Không chỉ vậy, các sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đều mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, dây điện, ắc quy, các chi tiết nhựa.
Chủ tịch VAMA từng dẫn chứng "Nắp bình xăng, báo giá sản xuất trong nước là 4 USD, nhưng hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa. Và khoảng chênh lệch còn lớn hơn với những linh kiện có giá trị cao hơn".
Theo tính toán sơ bộ của VAMA, tùy từng mẫu xe, chệnh lệch giữa chi phí giữa xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn sản xuất ở một số nước ASEAN từ 10 - 20%.
Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam lâu nay được ví như câu chuyện ‘con gà quả trứng’, bởi muốn giảm giá thành sản xuất xe nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, thì phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để tăng sản lượng.
Tuy nhiên, nếu chưa đạt được quy mô sản lượng nhất định thì khó có cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư sản xuất linh phụ kiện, từ đó không thể tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Suốt hơn 20 năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách, doanh nghiệp có nỗ lực nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Hiện Việt Nam có 300 doanh nghiệp đang sản xuất, cung cấp linh kiện phụ tùng cho ô tô. Con số này rất nhỏ bé nếu so với các nước khác, ví dụ Thái Lan có khoảng 2.000 doanh nghiệp.
“Đầu tàu” VinFast nói rằng họ muốn tăng dần tỷ lệ nội địa hóa lên như một giải pháp chủ động nhằm hạ giá thành sản xuất ô tô, trong lúc chờ Nhà nước có chính sách ưu đãi phù hợp hơn để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục hành trình xây dựng một "thương hiệu quốc gia". Phải chăng đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp hỗ trợ vươn lên mạnh mẽ?.
Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bày tỏ sự kỳ vọng vào việc này, là rằng VinFast tạo ra động lực kích thích các doanh nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Từ đó, giá thành linh kiện phụ tùng chắc chắn sẽ giảm nhiều và giúp người dân có thêm cơ hội sở hữu ô tô.
Trong Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện có một số doanh nghiệp đã hợp tác VinFast, ví dụ như An Phát. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã cung cấp hàng cho VinFast. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng.
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - thông tin: Từ 1/1/2018, thực hiện các hiệp định về thuế quan trong các nước ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô về 0% do đó việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu là rất gay gắt. Đối với các thị trường khác, thuế nhập khẩu ô tô tùy theo từng chủng loại có mức từ 10 - 60% và thị trường cao nhất là 70%.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 125, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, giúp việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn có thể cạnh tranh được. Dự kiến trong tháng 12/2019, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định 125 sửa đổi, trong đó bổ sung nội dung quy định thuế suất 0% về nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận