Giá xăng tăng tác động mạnh tới người tiêu dùng và doanh nghiệp
Giá xăng dầu tăng ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao khiến các dịch vụ, phí, cước tăng theo gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân.
Giá xăng tăng phi mã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều hàng hoá được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó, nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.
Hơn 20 năm chạy xe ôm, mỗi lần xăng lên giá là ông Nguyễn Văn Núi một tài xế xe ôm công nghệ lại đắn đo khi nhận những cuốc xe: “Mình có nói xăng lên người ta cũng đâu chấp nhận.
Lúc nào cũng vậy, đi giá đó hai chục là hai chục, ví dụ vậy. Không thể nào lên 25 ngàn được. Cũng khó khăn đủ thứ hết. Mình đổ xăng đi cuốc rồi, quay về đâu có cuốc xe đâu. Người ta không có tính vậy, không có tính về cho anh thêm năm, ba ngàn. Nói chung lo, đủ thứ lo hết".
Người tiêu dùng gặp khó, doanh nghiệp còn lao đao hơn khi việc giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao, các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng giá khiến doanh nghiệp (DN) lo lắng sức cạnh tranh sẽ giảm sút.
“Giá cả xăng dầu cứ tiếp tục lên thì chi phí đầu vào chúng tôi sẽ tăng cao trước mắt sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận công ty, sắp tới khi xuất khẩu giá cả tăng thì sức cạnh tranh giữa hàng hoá công ty của Việt Nam với các mặt hàng cùng loại như của Thái Lan sẽ bị giảm nhiều.
Đầu năm nay tất cả các đơn hàng của chúng tôi đều sụt giảm, trước mắt không biết tăng ở mức độ nào nhưng hiện chúng tôi đã mất 2-3% lợi nhuận”, ông Nguyễn Đinh Tùng - Chủ tịch kiêm Tổng Gám đốc Vina T&T bày tỏ.
Từ đầu năm tới nay giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm với lần giảm mạnh nhất là hơn 1000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất là gần 3000 đồng/lít, đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải logistics.
Là đơn vị lâu năm về logistics trước Tết Nguyên đán, công ty này đã ký hợp đồng với các khách hàng đối tác, giữ nguyên giá dịch vụ cho đến hết năm, nhưng vừa qua tết, giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp rất khó xử, kinh doanh với mức giá xăng dầu như hiện tại chỉ cầm hòa hoặc thua lỗ.
“Mỗi chuyến xe hiện tại tăng chi phí lên 10-15%, phí xăng dầu tăng và những chi phí khác cũng tăng theo làm cho giá sản phẩm khách hàng tăng lên mà hiện chúng tôi không thể nào tăng giá được vì chúng tôi mới ký hợp đồng với khách hàng là giữ giá cả năm không đổi được, hiện chúng tôi chỉ có cách là báo với các đội sale tạm thời ngưng không nhận hàng”, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển Thương mại Blue Sea chia sẻ.
Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm từ 35 - 40% trong cơ cấu giá cước. Do vậy, khi giá xăng dầu được điều chỉnh thì lập tức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành.
Trong một tuần qua, nhiều doanh nghiệp logistics tại Tp.HCM cho biết chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5 - 7%, buộc phải có phương án thay đổi giá cước.
“Hiện nay phí thuế các loại chiếm từ 38-40% giá thành về xăng dầu, đây là gánh nặng đè rất lớn lên DN, nhiều khi DN logistics cũng muốn giảm chi phí nhưng giảm với nội tại của họ nhưng ảnh hưởng lớn hơn là giá về thuế phí ảnh hưởng trực tiếp lên giá xăng dầu. Nhà nước cũng cần hỗ trợ DN như giảm thuế phí…”, ông Nguyễn Chí Đức - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics Tp.HCM cho hay.
Trong bối cảnh giá xăng, dầu trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, làm sao mức tăng giá xăng, dầu trong nước không đột biến như giá thế giới, từ đó làm giảm bớt phí đầu vào của doanh nghiệp
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận