Giá xăng tăng liên tục đẩy CPI tháng 7 tăng cao
Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái, song bình quân 7 tháng đầu năm, mức tăng 1,64% là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội, số liệu của tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 7 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng đầu năm, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo lý giải từ tổng cục Thống kê, nguyên nhân là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ.
Cùng với đó, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.
So với tháng trước, có 7 nhóm hàng tăng giá, 3 nhóm giảm giá và 1 nhóm giữ giá ổn định. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,36%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%.
Đối với riêng hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm này tăng chủ yếu do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.
Ở chiều ngược lại, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có mức giảm nhiều nhất so với tháng trước, cụ thể là giảm 0,1%. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05% do giá điện thoại di động giảm 0,12% và phụ kiện điện thoại thông minh, máy tính bảng giảm 1,77%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 7 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 1,39% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 7 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, đồng USD trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng biến thể Covid-19 mới có thể đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận