Giá xăng dầu tuần này: Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đè nặng lên thị trường dầu
Kết thúc giao dịch tuần này, xu hướng tăng vẫn áp đảo trên thị trường dầu với chuỗi tăng trong 4 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ lượng tiêu thụ xăng tại Mỹ trong tuần tới, cộng thêm căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ gây áp lực lên giá dầu.
Kết thúc phiên thứ Sáu (22/5), hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 7 giảm 67 cent, tương đương 2%, xuống 33,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 93 cent, tương đương 2,6%, xuống 35,13 USD/thùng, theo Investing.com.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu WTI và giá dầu Brent ghi nhận tăng lần lượt 13% và 8%, hướng tới mức tăng hàng tuần thứ tư liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 12.
Trong phiên thứ Sáu, giá dầu WTI đã giảm xuống mức thấp nhất 30,74 USD/thùng trước căng thẳng chính trị tại Trung Quốc.
Sau đó, dầu WTI đã hồi phục khi dữ liệu công bố bởi công ty Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan hàng tuần giảm thêm 21 giàn khoan dầu.
Tổng số giàn khoan cắt giảm đã đạt ngưỡng gần 450 giàn kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/3 khi Mỹ và các quốc gia trên thế giới bắt buộc ban bố tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 6 đã đáo hạn vào tuần trước và không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy sẽ lặp lại mức âm lịch sử của hợp đồng giao tháng 5. Cho đến nay, xu hướng tăng vẫn áp đảo trên thị trường dầu.
Mối lo ngại tiếp theo gây áp lực lên dầu thô Mỹ là mức tiêu thụ xăng quá thấp và có thể dẫn đến lượng tồn kho cao mặc dù Lễ tưởng niệm Chiến sĩ trận vong sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai tuần tới.
"Mức tăng lịch sử 250% của giá dầu có thể sẽ chững lại trong tuần tới và thị trường sẽ đánh giá nhu cầu và tác động trong mùa lái xe cao điểm tại Mỹ", Phil Flynn của Tập đoàn Price Futures tại Chicago nhận định.
Các thương nhân và giới đầu tư đang gấp rút tìm kiếm dữ liệu về mức độ sử dụng xe và tiêu thụ xăng của Mỹ bởi Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) không có dự báo chính thức về lưu lượng xe cộ tham gia trên các tuyến đường vào ngày lễ vào thứ Hai tới.
AAA lần đầu tiên trong 20 năm không thực hiện cuộc khảo sát hàng năm về lưu lượng phương tiện giao thông trong Ngày Tưởng niệm vì đại dịch COVID-19 khiến họ không thể thu thập đầy đủ dữ liệu. Năm ngoái, khoảng 43 triệu người Mỹ đã tham gia giao thông trong Ngày Tưởng niệm, mức cao thứ hai kể từ năm 2005.
Một biến động khác trong thị trường dầu mỏ trong tuần qua là quyết định của nhà môi giới RBC Capital Market về việc cắt đứt quan hệ hợp tác Quĩ dầu Mỹ (USO) - quĩ ETF cực kì phổ biến - đối với việc mua hợp đồng dầu WTI giao sau để ngăn chặn sự biến động của giá cả.
RBC thông báo với USO rằng họ sẽ không còn giữ vai trò trong việc mua hợp đồng dầu giao sau cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, USO cho biết họ có thể nắm giữ số lượng tài sản và tiền mặt lớn hơn, "điều này sẽ làm giảm khả năng đáp ứng mục tiêu đầu tư của USO".
Một yếu tố khác có thể đè nặng lên thị trường dầu trong tuần tới là căng thẳng chính trị leo thang tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thị dầu thô lớn nhất thế giới.
Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc đã thiết lập một đạo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với HongKong, một động thái được coi là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do của vùng lãnh thổ này. Luật ban hành nghiêm cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, dụ dỗ và lật đổ của các nhà lập pháp HongKong
Chính quyền Tổng thống Trump cũng tuyên bố hồi đầu tuần rằng họ đã chấp thuận bán vũ khí trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan, gây phẫn nộ cho chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 22/5 quyết định không tuyên bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 vì lo ngại tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gây thêm áp lực đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận