menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hà Ngọc Linh

Giá xăng dầu tăng đỉnh điểm, sao không thấy Quỹ bình ổn tác động gì?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh viện dẫn, khi giá xăng dầu lên mức đỉnh điểm vào thời điểm giữa năm 2022 nhưng không thấy có tác động gì của Quỹ bình ổn giá xăng dầu để kéo giá xuống.

Đề xuất Quốc hội có thẩm quyền thành lập Quỹ bình ổn giá

Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Đề cập đến Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, về thẩm quyền thành lập hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau. Cơ quan thẩm tra ủng hộ quy định Quốc hội có thẩm quyền thành lập quỹ, trường hợp cấp bách, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khi đó, cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Qua đó, dự thảo luật thiết kế 2 phương án:

Phương án 1: Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Phương án 2: Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ trình Quốc hội và trong thời gian giữa 2 kỳ họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Giá xăng dầu tăng đỉnh điểm, sao không thấy Quỹ bình ổn tác động gì?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo ông Cường, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì. Lý do, đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng quỹ.

Một số ý kiến khác đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì: Đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ…

Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo đề nghị cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Trăn trở bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Nêu ý kiến về Quỹ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá. Bởi trong thực tế việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt…

Cũng liên quan đến Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần quy định theo phương án 1, giữ các quy định đang sẵn có tại luật hiện hành.

Theo ông, Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Giá xăng dầu tăng đỉnh điểm, sao không thấy Quỹ bình ổn tác động gì?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

Qua phiên giải trình vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quan tâm đến chính sách giá. Các doanh nghiệp cho rằng, mảng thị trường còn rất hạn chế, song giá xăng dầu vẫn phải vận hành theo quy luật thị trường.

“Hai bộ trưởng có giải trình, nhưng giá xăng dầu cụ thể ra sao, trách nhiệm của cơ quan nào, ủy ban vẫn tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Thanh nêu.

Tương tự với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng qua phiên giải trình, nhiều đại biểu còn băn khoăn, cho rằng quỹ này chưa đảm bảo đúng mục đích, thu vào khi giá xuống, chi ra khi giá tăng cao ra sao…

Ông Thanh viện dẫn, ngày 21/6/2022, khi giá xăng dầu ở mức đỉnh điểm, nhưng không thấy có tác động gì của quỹ này để kéo giá xuống. Chính vì vậy, trong thường trực ủy ban này cũng có 2 luồng ý kiến, rất trăn trở có nên giữ lại hay không.

“Tôi ủng hộ giữ lại nhưng phải khắc phục được khiếm khuyết, tồn tại của quỹ trong thời gian qua. Công khai, minh bạch ra sao, trích vào trích ra thế nào để thực hiện đúng mục đích bình ổn giá xăng dầu”, ông Thanh nêu.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, mặt hàng xăng dầu do Bộ Công Thương quản lý giá. Còn Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Phớc nói đã báo cáo giải trình nhiều về vấn đề này. Đây là mặt hàng tác động đến mọi người dân nên vẫn cần giữ lại quỹ, để có sự điều hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, trước ý kiến đặt ra về việc quỹ vận hành thế nào, ông Phớc cho biết, đang đánh giá để quỹ này vận hành hiệu quả nhất và Nghị định 95 đã đề xuất các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại