Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục: Điều hành thế nào?
Từ chiều 11/3, giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp trong năm nay, xăng A95 có mức tăng nhiều nhất, gần 3 nghìn đồng/lít, giá các mặt hàng dầu từ hơn 20 nghìn đến hơn 25 nghìn đồng/lít tuỳ loại. Giá xăng dầu tăng cao gây sức ép lớn lên mặt bằng giá cả thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% của năm nay. Vì thế, các chuyên gia đề xuất chưa xem xét tăng giá các dịch vụ công trong năm nay, như giá điện, nước, giáo dục, y tế…
Khó đoán định giá xăng dầu
Trước sức ép lớn từ tăng giá dầu thế giới, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện giá xăng dầu chịu nhiều tác động lớn và khó đoán định, nhất là xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Giá dầu bình quân tháng 1 vừa qua chỉ 98 USD/thùng, hiện đã lên tới 130 USD/thùng, kéo theo đà tăng cao của giá than, khí (nguyên liệu cho điện), sắt thép, vật liệu xây dựng… Hiện lạm phát của các nước châu Âu đều vượt mức 5%, Mỹ trên 7%..., nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể phải nhập khẩu lạm phát do độ mở của nền kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, năm 2022 giá dịch vụ công sẽ phải điều chỉnh vì nhiều năm trước chưa tăng, cụ thể như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước… “Năm nay, ở kịch bản điều hành giá khả quan nhất thì lạm phát nước ta sẽ trong mức từ 3,6% - 4,3%, còn kịch bản kém khả quan hơn là lạm phát trên 4%”, ông Định nói.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng đột biến tác động tiêu cực lên kiểm soát lạm phát thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế quy mô lớn (khoảng 350.000 tỷ đồng). Do đó, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công, chính sách hỗ trợ lãi suất cần tính toán lại lộ trình thực hiện cho phù hợp, ngăn chặn tín dụng chảy vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. “Những thách thức đó sẽ tác động lớn lên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Nếu lạm phát tăng cao sẽ gây sức ép lên mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong năm nay”, ông Khang nói. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao cũng che mờ hiệu quả từ gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm nay.
Từ ngày 1/2/2022 tới hết năm 2022, thuế giá trị gia tăng được điều chỉnh giảm 2% với một số mặt hàng đang chịu thuế 10%, số thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 49.000 tỷ đồng. Đây là một trong các giải pháp nhằm giảm giá hàng hoá dịch vụ để kích thích tiêu dùng, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu tăng cao, gói hỗ trợ này đã giảm phần nào tác dụng của nó với nền kinh tế.
Cân nhắc chưa tăng giá dịch vụ công
Theo ông Nguyễn Xuân Định, việc điều hành giá phải theo diễn biến giá xăng dầu, nhưng giá xăng dầu tăng giảm khó đoán. Do đó, ngoài điều hành giá xăng dầu linh hoạt, cần đảm bảo nguồn cung, xử lý triệt để dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá, ngăn chặn lợi dụng tăng giá các mặt hàng khác kiểu “tát nước theo mưa”; điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khoá; tính toán kỹ lưỡng việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm nay. Về việc giảm thuế giúp giảm giá xăng dầu, theo ông Định, Bộ Tài chính sẽ tính toán kỹ lưỡng và thận trọng, vì chính sách này sẽ làm hụt thu ngân sách, chênh lệch giá xăng dầu của Việt Nam và các nước xung quanh dẫn tới nguy cơ buôn lậu mặt hàng này qua biên giới.
Để kiềm chế lạm phát, theo ông Nguyễn Bá Khang, Nhà nước cần cân nhắc việc tăng giá các dịch vụ công; thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để giúp giảm áp lực lên giá thành sản phẩm, hàng hoá; Cùng với đó, cần thêm công cụ điều tiết giá xăng dầu, vì chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, riêng giá xăng dầu góp tới 1,63% mức tăng trên. Chuyên gia này đề xuất cơ quan quản lý điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên mức tăng dưới 5% (thay vì dưới 4%), để có thêm dư địa cho phục hồi kinh tế, vì nước ta đã chậm một nhịp phục hồi so với thế giới. Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu kinh tế, với những nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, lạm phát bình quân vượt 7-8%/năm mới có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế; nếu lạm phát trong mức 5-6%/năm vẫn chưa gây ra vấn đề lớn.
Giá xăng tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít
Chiều 11/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 bán lẻ ở mức 28.985 đồng (tăng 2.908 đồng/lít); xăng RON 95 có giá 29.824 đồng/lít (tăng 2.990 đồng/lít).
Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh trong kỳ điều hành này. Dầu diesel có giá 25.268 đồng/lít (tăng 3.958 đồng/lít), dầu hỏa là 23.918 đồng/lít (tăng 3.940 đồng/lít), dầu mazut 3.5s là 20.987 đồng/lít (tăng 2.519 đồng/lít). Đây là lần thứ 7 liên tiếp, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh, đưa giá xăng dầu lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng giá xăng dầu thế giới. Căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu Brent có thời điểm lên tới 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Còn giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008.Dương Hưng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận