Giá xăng dầu “phi mã”, hạ nhiệt cách nào?
Ngoài việc sử dụng Quỹ BOG cần xem xét giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường để hạ giá xăng dầu.
Chiều 10/11, giá xăng lại tăng cao thêm một lần nữa, giá dầu dù giữ ổn định nhưng cũng đang ở mức cao khiến người dân, doanh nghiệp thêm lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, sau khi điều chỉnh, giá xăng E5RON92 đã tăng lên mức không cao hơn 23.669 đồng/lít; Xăng RON95-III lên mức không cao hơn 24.996 đồng/lít.
Trong khi đó, dầu diesel 0.05S cũng đã lên không cao hơn 18.716 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.821 đồng/kg.
Việc tăng giá xăng dầu được đánh giá sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước.
Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công thương - Tài chính đã linh hoạt, hiệu quả sử dụng quỹ bình ổn giá.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thế giới tăng 59,08-76,03%, tuy nhiên vì chúng ta sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23-52,59%. Mặc dù đây vẫn là mức tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, nhưng đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực của liên bộ và Chính phủ.
Nói là như vậy, nhưng việc giá xăng dầu tăng lên cao nhất trong nhiều năm qua đang là mối lo ngại với người dân, doanh nghiệp khi đây là mặt hàng đầu vào thiết yếu của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Nếu không có giải pháp mạnh hơn để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu sẽ tác động mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất, khiến các doanh nghiệp và người dân thêm khó khăn hơn.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Bà Chu Thị T, Giám đốc một doanh nghiệp thép ở Đông Anh, Hà Nội cũng cho rằng, việc giá xăng dầu tăng "phi mã" sẽ khiến doanh nghiệp đang điêu đứng vì dịch bệnh lại càng kiệt quệ vì chi phí vận tải.
"Giãn cách xã hội, vận tải bị ngưng trệ, nhiều đơn hàng phải hủy vì không thể giao cho khách hàng. Giờ mới dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, lưu thông cũng chỉ mới dễ thở hơn thì lại lo gánh nặng chi phí xăng dầu, vậy thì chúng tôi lấy sức đâu để hồi phục", bà T chia sẻ.
Được biết, hiện cơ cấu giá thành sản phẩm xăng, dầu, các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối mặt hàng dầu là khoảng 24-30%.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) cần cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trước áp lực tăng của thị trường thế giới, để kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh Quỹ BOG gần cạn kiệt khi thường xuyên phải trích và chi sử dụng thì chỉ còn cách là giảm thuế đối với mặt hàng này.
Theo ông Hải, việc điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công thương nhưng chính sách thuế thì do Bộ Tài chính nên Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận