24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hà Ngọc Linh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá xăng dầu hôm nay 3/6: Dầu lại tăng dựng ngược vì thông tin từ Mỹ

Giá xăng dầu hôm nay 3/6: Giá dầu thô lại tăng dựng ngược trong phiên giao dịch sáng nay (3/6) sau khi leo dốc hơn 1% vào phiên trước, do tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm nhiều hơn dự báo...

Giá xăng dầu hôm nay 3/6: Dầu lại tăng dựng ngược

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 3/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 117,52 USD/thùng, tăng 0,59 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 2/6, giá dầu WTI giao tháng 7/2022 đã tăng tới 4 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 118,18 USD/thùng, tăng 0,57 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 3,71 USD so với cùng thời điểm ngày 2/6.

Thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm cộng với đồng USD mất giá đã đẩy giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh, bất chấp việc OPEC+ quyết định tăng mạnh sản lượng.

Giá dầu ngày 3/6 tăng vọt trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh trong tuần trước. Cụ thể, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm tới 5,1 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 1,3 triệu thùng được đưa ra trong một cuộc thăm dò trước đó. Dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh chủ yếu do nhu cầu nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do quyết định cấm vận dầu thô Nga của EU. Ngoài ra, giá dầu thô tăng mạnh còn do đồng USD mất giá sau khi dữ liệu việc làm Mỹ được công bố thấp hơn nhiều kỳ vọng. Loạt dữ liệu trên đã lấn át hoàn toàn thông tin về việc OPEC+ sẽ tăng mạnh sản lượng lên mức 650.000 thùng/ngày trong 2 tháng tới, thay vì mức tăng 432.000 thùng/ngày như hiện nay.

Ngày 2/6, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (gọi tắt là OPEC ) đồng ý nâng sản lượng khai thác dầu trong tháng 7 và 8, giữa lúc cuộc xung đột tại Ukraine gây náo loạn thị trường dầu thô toàn cầu. Khối OPEC sẽ nâng sản lượng thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong cả tháng 7 và tháng 8, tiến tới chấm dứt giai đoạn cắt giảm sản lượng lịch sử của OPEC trong thời gian đại dịch hoành hành.

Vào tháng 4/2020, OPEC giảm nguồn cung dầu thô đi 10 triệu thùng/ngày. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ, OPEC cũng dần nâng sản lượng lên. Trong những tháng gần đây, nguồn cung dầu tăng thêm từ 400.000 thùng/ngày đến 432.000 thùng/ngày mỗi tháng.

Theo kế hoạch công bố trước đây, OPEC sẽ chỉ nâng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày trong 3 tháng 7, 8 và 9. Có thể thấy, nhóm các quốc gia chi phối nguồn cung dầu toàn cầu này đã quyết định tăng sản xuất mạnh hơn dự báo.

Giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ năm (2/6) sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao, loại bỏ tác động từ thoả thận tăng nguồn cung dầu thô của OPEC+ để bù vào sự sụt giảm về sản lượng của Nga.

Giá cũng được hỗ trợ bởi gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga, gồm lệnh cấm ngay lập tức đối với các hợp đồng bảo hiểm mới cho các tàu chở dầu của Nga và loại bỏ dần các hợp đồng hiện có trong 6 tháng.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu Brent giao sau tăng 1,1% lên 117,61 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,4% lên 116,87 USD.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.

Căn cứ vào diễn biến thị trường và các mục tiêu điều hành giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định không trích lập Quỹ BOG (Quỹ Bình ổn giá) đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg); đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.

Giá xăng dầu hôm nay 3/6: Dầu lại tăng dựng ngược vì thông tin từ Mỹ

Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 3/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.

Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 1/6 về thông tin xăng lại tiếp tục tăng giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới.

Theo Bộ trưởng Diên, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Diên chia sẻ với người dân về vấn đề này. Nhưng ở chiều ngược lại, theo Bộ trưởng Diên, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá đầu vào", các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ. Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, chứ không nói một chiều.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá.

Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
71.18 +1.08 (+1.54%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả