Giá xăng dầu hôm nay (24-12): Duy trì đà tăng tuần
Giá xăng dầu kéo dài đà tăng sang tuần thứ 2 liên tiếp do lo ngại gián đoạn nguồn cung khi các công ty vận tải biển tránh tuyến đường qua Biển Đỏ.
Giá dầu thế giới
Tuần qua, giá dầu đã liên tục biến động trong từng phiên giao dịch, chịu tác động mạnh bởi lực lượng Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn tấn công các tàu ở Biển Đỏ và sự rút khỏi tư cách thành viên OPEC của Angola.
Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch với mức tăng gần 2%. Theo Reuters, sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư lo lắng về sự gián đoạn đối với chi phí cung ứng và thương mại hàng hải sau khi Houthi tấn công 1 tàu thuộc sở hữu của Na Uy ở khu vực Biển Đỏ và công ty dầu mỏ BP thông tin đã tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua khu vực này. Nhiều công ty vận tải biển khác cũng đã lên kế hoạch định tuyến lại tàu của mình.
Lo lắng về sự gián đoạn thương mại toàn cầu và căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục giúp giá dầu “bỏ túi” thêm hơn 1,5 USD ở 2 phiên giao dịch tiếp theo của tuần.
Theo Rob Thummel, giám đốc điều hành của công ty đầu tư năng lượng Tortoise Capital có trụ sở tại Kansas, các sự kiện ở Biển Đỏ làm tăng rủi ro địa chính trị và điều này khiến giá dầu tăng cao hơn khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung gắn liền với rủi ro địa chính trị ngày càng tăng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, tác động đến nguồn cung dầu từ các cuộc tấn công của Houthi và việc định tuyến lại của các công ty vận tải biển hiện vẫn khá hạn chế mặc dù phí bảo hiểm rủi ro đang tăng lên.
Ngày 19-12, Mỹ đã tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Đáp trả, lực lượng Houthi tuyên bố thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục tấn công các mục tiêu của Israel trong khu vực.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần là báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 15-12, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,9 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 2,7 triệu thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,5 triệu thùng.
Cắt đứt đà tăng của giá dầu ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần là quyết định rời OPEC của Angola. Trong phiên này, giá dầu giảm nhẹ.
Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo cho biết tư cách thành viên của nước này trong OPEC không phục vụ lợi ích của Angola.
Tại cuộc họp vào tháng 11, Angola và Nigeria đã phản đối quyết định của OPEC cắt giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024 để hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu tiếp tục lao dốc nhẹ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,07 USD/thùng, dầu WTI ở mức 73,56 USD/thùng.
Với mức tăng mạnh ở 3 phiên giao dịch đầu tiên của tuần và mức giảm khá khiêm tốn ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cả dầu Brent và WTI đều đã tăng giá khoảng 3% trong tuần này, chính thức đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau 7 tuần “lao dốc không phanh”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24-12 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 21.199 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 22.145 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 19.524 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.494 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.265 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành chiều 21-12. Giá xăng RON 95 tăng cao nhất, 740 đồng/lít; giá dầu mazut tăng thấp nhất, 287 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 37 đợt điều chỉnh, trong đó 19 lần tăng, 14 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận