24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá xăng dầu hôm nay 20/6: Dầu quay đầu tăng, giá xăng trong nước sắp tăng tiếp?

Sau khi giảm tới 6% trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá dầu thô tuần này đã ấm lên với giá dầu Brent vượt mốc 114 USD/thùng, WTI vượt 110 USD/thùng. Trong nước, giá xăng kỳ điều hành ngày mai có thể tăng tiếp 200-400 đồng/lít?

Giá xăng dầu hôm nay 20/6: Giá dầu phục hồi sau khi giảm 6% cuối tuần trước

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,75% lên 108,8 USD/thùng vào lúc 6h47 (giờ Việt Nam) ngày 20/6. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 cũng tăng 0,19% lên 113,83 USD/thùng.

Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay (20/6), bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế sau các quyết định nâng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn và nguồn cung tại Libya bất ngờ tăng.

Giá xăng dầu hôm nay 20/6: Dầu quay đầu tăng, giá xăng trong nước sắp tăng tiếp?

Giá xăng dầu hôm nay 20/6: Giá dầu phục hồi sau khi giảm 6% cuối tuần trước. Ảnh MXV

Tuần trước, giá dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, còn giá dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 13/6 với xu hướng giảm mạnh khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm. Không chỉ ở tại Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà ở hầu hết các nền kinh tế khi các dữ liệu thống kê đều cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc. Lạm phát leo thang, làn sóng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ đang tạo áp lực lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 116,27 USD/thùng, giảm 1,85 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,63 USD/thùng, giảm 2,38 USD/thùng trong phiên.

Đà giảm của giá dầu tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch sau đo khi đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất 20 năm nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất sau khi lạm phát Mỹ tiếp tục leo đỉnh. Và khi lo ngại về một cuộc suy thoái đến sớm hơn dự báo được dấy lên, giá dầu thô ngày 15/6 đã lao dốc mạnh.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 15/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 115,62 USD/thùng, giảm 0,64 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 14/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã giảm tới 2,31 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 120,58 USD/thùng, giảm 0,59 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,32 USD so với cùng thời điểm ngày 14/6.

Lạm phát Mỹ được ghi nhận ở mức cao nhất 40 năm, ở mức 8,6%, trong tháng 5/2022. Theo giới phân tích, dữ liệu này sẽ thúc đẩy Fed mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất với mức dự kiến là 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách ngày 15/6 (theo giờ địa phương). Quyết định này của Fed nếu được thực hiện liệu có “hạ nhiệt” lạm phát được hay không thì vẫn cần thời gian nhưng có một điều chắc chắn, nó sẽ làm tăng đáng kể các khoản chi phí hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, qua đó có thể khiến giá cả hàng hoá leo thang, tạo áp lực chi phí tiêu dùng đối với người dân.

Nhưng không chỉ tại Mỹ, ở châu Âu, làn sóng lạm phát gia tăng cũng đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát leo thang là do giá năng lượng và giá lương thực đang tăng cao, đạt mức cao kỷ lục nhiều năm.

Nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc cũng được dự báo sẽ suy giảm khi mà nhiều biện pháp phòng chống dịch đã được tái áp dụng tại nhiều khu vực ở Bắc Kinh, Thượng Hải.

Những dự báo lạc quan của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra ngày 15/6 và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá dầu đi lên. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ duy trì được trong ngắn hạn khi nó nhanh chóng bị lấn át bởi một loạt các yếu tố rủi ro về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lãi suất và dịch bệnh.

Những dữ liệu tích cực về hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc trong tháng 5/2022 cũng phần nào hỗ trợ giá dầu đi lên. Cụ thể, theo dữ liệu vừa được công bố, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 0,7% trong tháng 5/2022, tốt hơn kỳ vọng của thị trường. Chỉ số này trong tháng 4/2022 là giảm 2,9%.

Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu cũng nhanh chóng bị chặn lại khi áp lực nguồn cung hạ nhiệt. ản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, đạt mức 12 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Tồn kho dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng được ghi nhận tăng.

Quyết định tăng lãi suất của Fed được cho sẽ là điểm “nổ” tạo ra làn sóng tăng lãi suất ở các nền kinh tế, qua đó tạo tâm lý tiêu cực đối với nhà đầu tư, làm gia tăng áp lực có thể khiến dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu đến sớm hơn. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ bị tác động tiêu cực.

Theo giới chuyên gia, việc tăng lãi suất chưa chắc có thể “hạ nhiệt” được lạm phát nhưng chắc chắn nó sẽ tác động rất mạnh đến mặt bằng giá cả hàng hoá, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Thực tế là trong phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 15/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã thực hiện lạm phát đang khó kiểm soát hơn.

Áp lực tăng trưởng gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn sẽ làm giảm các nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô.

Ở diễn biến khác, áp lực nguồn cung ở châu Á hạ nhiệt khi Nga đang dịch chuyển dòng chảy năng lượng sang Trung Quốc, Ấn Độ, những quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới.

Nhu cầu dầu từ Trung Quốc được dự báo sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vụ cháy ở tổ hợp công nghiệp hóa dầu lớn của Tập đoàn hóa chất và dầu khí quốc doanh khổng lồ Sinopec của Trung Quốc. Tổ hợp công nghiệp này được đặt tại quận Kim Sơn, thành phố Thượng Hải.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu ngày 19/6 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 108,55 USD/thùng, giảm 6,37 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 113,56 USD/thùng, giảm 6,25 USD/thùng trong phiên.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Trong nước, dự báo giá xăng ngày mai có thể tăng tiếp, nếu nhà điều hành không dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể vẫn tăng 200-400 đồng/lít.

Cụ thể: Ngày mai (21/6) tới chu kỳ điều hành của giá xăng dầu. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 15/6 tiếp tục tăng, với RON 92 giá là 151,6 USD/thùng, còn RON 95 là 158,1 USD/thùng. Giá dầu liên tục lập đỉnh mới lên tới trên 172 USD/thùng.

Do đó, theo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng có thể tăng 200-400 đồng/lít nếu không sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn dầu tăng 400-600 đồn/lít. Ngược lại, nếu nhà điều hành dùng Quỹ bình ổn, giá có thể đứng yên.

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng - đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).

Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm từ đầu tháng 8 khi Nghị quyết đề xuất này có hiệu lực. Như vậy, giá xăng ở vài kỳ hành tới vẫn chưa thể hạ nhiệt nếu giá quốc tế không giảm đáng kể.

Kỳ điều hành gần nhất ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho các mặt hàng xăng dầu trong nước.

Theo đó, giá xăng dầu lại tăng mạnh từ 15 giờ ngày 13/6 khi xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít còn xăng RON 95-III tăng 797 đồng/lít.

Cụ thể, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng/lít, còn 20.350 đồng.

Cơ quan quản lý quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng, không thực hiện trích lập đối với dầu diesel và dầu hỏa (kỳ trước trích 100 đồng/lít), tiếp tục thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu mazút ở mức 300 đồng/kg.

Đồng thời, chi sử dụng quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút không chi.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20/6 cụ thể như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 31.117 đồng/lít, tăng 882 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III không cao hơn 32.375 đồng/lít, tăng 797 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.020 đồng/lít, tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu hỏa không cao hơn 27.839 đồng/lít, tăng 2.493 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 20.357 đồng/kg, giảm 544 đồng/kg so với giá bán hiện hành.

Tại kỳ điều hành giá ngày 1/6, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh khi xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít và dầu hỏa tăng 941 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 15 đợt. Trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
69.60 +0.66 (+0.96%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả