Giá xăng dầu giảm liên tiếp: DN vận tải mới chỉ lên kế hoạch giảm cước
Dù giá xăng dầu giảm lần thứ 4 liên tiếp nhưng đến giờ này, các doanh nghiệp (DN) vận tải cho hay mới đang tính toán và khẳng định sẽ giảm cước vận tải trong tháng này. Hy vọng, đây sẽ là “cú hích” kéo mặt bằng giá các hàng hóa khác giảm theo.
Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nam Định, địa bàn có 32 DN vận tải hành khách với hơn 3.000 đầu xe cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu đã qua 12 lần điều chỉnh tăng giá, xăng RON 95 tăng tổng cộng: 8.505 đồng/lít; E5 RON 92 tăng tổng cộng: 7.967 đồng/lít.
Giá nhiên liệu đã giảm sâu nhưng cước phí vận tải vẫn đứng yên. Ảnh: Trọng Đảng |
Có 4 lần điều chỉnh giảm, trong đó lần gần nhất là ngày 1/8 mỗi lít xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng. Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2.
Theo ông Thạc, trước thực tế giá xăng giảm, DN vận tải trên địa bàn tỉnh cũng đang tính toán để giảm cước theo giá xăng dầu.
Anh Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Công ty Minh Hải, DN chuyên vận tải hàng hóa Bắc Nam chia sẻ: “DN ký hợp đồng với các hãng và có lộ trình tăng cước vận tải khi giá xăng tăng. Từ 15/8, DN sẽ giảm giá cước vận tải theo tỉ lệ phù hợp với mức giảm giá xăng”.
Theo anh Minh, trước đây khi giá xăng tăng liên tiếp, DN vận tải chịu thiệt đơn, thiệt kép. Khi giá xăng tăng, không chỉ cước vận tải tăng mà nhiều ngành nghề khác cũng tăng giá sản phẩm khiến DN vận tải thu hẹp lợi nhuận. “Tôi không hiểu giá xăng tăng ảnh hưởng gì đến hàng rửa xe mà họ cũng tăng phí rửa xe theo, phí trông xe tại bãi cũng tăng…”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, việc giá xăng dầu tăng giảm thời gian qua cho thấy hoạt động điều tiết của cơ quan chức năng kém linh hoạt. Lẽ ra, Nhà nước nên hy sinh lợi ích trước mắt giảm thuế xăng dầu để kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính: Tăng kiểm tra
Trước thực tế giá xăng liên tiếp giảm nhưng cước phí vận tải và giá hàng hóa vẫn đứng im, Bộ Tài chính vừa lên tiếng rằng, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của hoạt động sản xuất. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như cước vận tải.
Để tránh việc tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính nhấn mạnh Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Bộ Tài chính khẳng định: “Cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstics để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào. Đặc biệt, là phải đánh giá chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý”.
Độ trễ giảm giá hàng hóa theo giá xăng chỉ 1-2 tuần!
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, DN cần có “độ trễ” để điều chỉnh giá cả phù hợp với đà giảm của giá xăng dầu. Tuy nhiên, quá trình này chỉ nên kéo dài từ 1-2 tuần, nhiều nhất là 3 tuần. Nếu kéo dài hơn thì rất phi lý. Cơ quan quản lý cần vào cuộc, xem xét trách nhiệm, xử lý. Với các dịch vụ vận tải, ông Doanh cho rằng, không có đơn vị nào dự trữ xăng dầu 1-2 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận