Giá vật liệu xây dựng “leo thang” có đẩy giá nhà tăng?
Giá vật liệu xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi vẫn neo ở mức khá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá vật liệu xây dựng tăng cao không ảnh hưởng đến việc tăng giá bán dự án nhà ở.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp.
Từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý 1/2021 có điều chỉnh giảm, tuy nhiên, giá thép lại tăng mạnh đến cuối tháng 5/2021 và đến nay bắt đầu chiều hướng giảm. Thị trường hiện tại dùng dằng và có chưa có chiều hướng tăng - giảm rõ rệt.
Theo khảo sát, giá bán được niêm yết của một số thương hiệu thép nổi tiếng hiện tại ở mức bình quân khoảng 16.000 đồng, cao hơn 23% so với cuối năm 2020, nhưng đã giảm khoảng 17% so với cách đây 3 tháng.
Cụ thể, giá bán sản phẩm của một số thương hiệu thép nổi tiếng tại thị trường miền Nam, như Hòa Phát giá 16.360 đồng/kg. Thép Tung Ho có giá khoảng 16.240 đồng/kg, thép Việt Mỹ có giá 16.060 đồng/kg…
Đại diện VSA cho biết dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên nhiều công trình xây dựng buộc phải tạm thời hoãn lại đặc biệt tại khu vực phía Nam, cùng với đó là chuẩn bị bước vào mùa mưa khiến cho việc tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thép giảm nhẹ.
Một số đơn vị, chủ thầu xây dựng cho biết, bất chấp việc giá thép giảm nhẹ so với thời điểm thị trường tháng 5, nhưng giá trị dự án vẫn bị "đội" lên nhiều lần. Lý do họ đưa ra là vì giá vật liệu xây dựng tăng, không chỉ riêng giá thép. Đơn cử, cát, đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi-măng, gạch ốp lát, bê-tông tăng giá 5 - 10%....
Ông Tiến, một thầu công trình xây dựng ở quận 10 phân tích, thông thường, các chủ thầu để tiết kiệm chi phí sẽ mua nguyên vật liệu ở đại lý F1 theo tháng, có thể là mua sẵn 3 - 6 tháng để lấy giá sỉ, cắt lỗ, tùy quy mô công trình. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua nhiều như vậy một lúc. Thêm nữa, nhiều khách hàng, chủ đầu tư căn ke, làm đâu, thanh toán đó, nếu họ đi mua nguyên vật liệu thì dễ cho thầu rồi, nhưng đã thầu là thầu luôn nguyên vật liệu, mà đội giá lên cao quá thì tiền đâu chịu nổi.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bày tỏ lo ngại khi giá vật liệu xây dựng tăng cao sẽ khiến giá nhà ở bị đội lên và người mua nhà sẽ phải gánh chịu.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản phân tích, chi phí xây dựng chiếm trung bình 60% và tối đa 70% giá thành căn hộ, tùy dự án. Chẳng hạn với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí linh tinh chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60-70% (nếu tính riêng chi phí vật tư cơ bản như thép, sắt, cát, xi măng, đá chiếm 36%). Khi giá thép tăng gấp đôi trong những tháng qua có thể khiến giá trị công trình bị đội lên 18%.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, giá vật liệu xây dựng tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến một số công trình xây dựng quy mô nhỏ. Ngược lại với các dự án lớn của các chủ đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng khó có thể tác động lớn đến giá bán.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, ở thị trường bình thường như giai đoạn 2015-2017 việc giá vật liệu xây dựng tăng cao có tác động đến giá bán sản phẩm nhưng trong bối cảnh hiện nay thì không đúng.
Nguyên nhân là vì biên độ lợi nhuận bình thường với doanh nghiệp bất động sản khoảng 15%. Nhưng hiện nay nhiều chủ đầu tư trên thị trường có biên lợi nhuận 25-30%, thậm chí 40%.
Nếu giá vật liệu xây dựng tăng 10-15% - mức này rất lớn với ngành xây dựng, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá bán, hoặc chỉ làm tăng nhẹ 5% giá thành sản phẩm, trong khi chủ đầu tư đang lời đến 25-30%. Do đó, câu chuyện tăng giá vật liệu xây dựng làm tăng giá bán, là khó, nhất là đối với thị trường căn hộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận