Giá vàng tuần tới sẽ phục hồi theo mô hình hai đáy?
Trong tuần này, giá vàng lại tiếp tục giảm xuống 1.677USD/oz rồi tăng vọt lên trên 1.700USD/oz. Liệu giá vàng tuần tới sẽ tiếp tục phục hồi theo mô hình 2 đáy?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế tiếp tục chịu sức ép lớn (có thời điểm giảm xuống 1.677USD/oz) khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm lên tới 1,77%- mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 do các ngân hàng thương mại Mỹ không được tiếp tục gia hạn miễn trích lập tỷ lệ dự trữ bổ sung (SLR) đối với trái phiếu tại NHTW sau ngày 31/3/2021, khiến áp lực bán tháo loại công cụ nợ này tăng mạnh. Tuy nhiên sau đó, lợi suất trái phiếu giảm nhẹ xuống 1,72%, giúp giá vàng phục hồi trở lại trên 1.700USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.729USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo chiều hướng giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 55,3 triệu đồng/lượng xuống mức 54,5 triệu đồng/lượng, sau đó phục hồi lên mức 55,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến lực mua giảm mạnh.
Đáng chú ý, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ liên tục tăng mạnh, thì lợi suất trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm vẫn đì đẹt đi ngang ở trên mức 0%, khiến đường cong lợi suất trái phiếu tăng mạnh, cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư về triển vọng phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ đã và đang phát đi tín hiệu phục hồi tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng giảm; các chỉ số sản xuất và dịch vụ PMI luôn trên mức 50 điểm; doanh số bán lẻ tăng liên tục… Đặc biệt, nước Mỹ dự kiến sẽ tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 cho tất cả người dân trưởng thành vào cuối tháng 5/2021, qua đó sẽ sớm khống chế được dịch bệnh và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cuả Mỹ trong năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được nếu đại dịch được khống chế ở quốc gia này.
Kinh tế phục hồi mạnh, trong khi lãi suất cơ bản vẫn ở mức 0- 0,25%; lượng tiền mà Mỹ bơm ra ngày một tăng, sẽ làm tăng áp lực lạm phát đáng kể đối với quốc gia này cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới. Bởi vì, ngoài các gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ của mình, các quốc gia khác còn chịu áp lực xuất khẩu lạm phát từ Mỹ.
Ông Colin, chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng dù giá vàng vẫn có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy trong ngắn hạn, nhưng đà tăng trong trung và dài hạn vẫn tích cực khi kinh tế thế giới phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu vàng vật chất gia tăng và áp lực lạm phát tăng, làm tăng nhu cầu đầu tư trú ẩn vào vàng. Riêng trong quý 2 khi áp lực tăng lợi suất trái phiếu giảm bớt, thì giá vàng cũng sẽ chịu ít áp lực điều chỉnh hơn quý 1, nhưng đà tăng chưa thực sự vững chắc.
Giá vàng quốc tế đang hình thành mô hình 2 đáy trong ngắn hạn.
Trong tuần tới, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 3 và Chủ tịch FED sẽ có bài phát biểu về chính sách tiền tệ ở IMF vào ngày 8/4. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, FED có thể vẫn sẽ tiếp tục khẳng định duy trì lãi suất siêu thấp và bơm tiền qua chương trình nới lỏng định lượng, chứ chưa có tín hiệu thu hẹp chương trình này. Đây có thể sẽ tiếp tục là tín hiệu tiêu cực đối với giá vàng tuần tới.
Tuy nhiên xét trên biểu đồ kỹ thuật, giá vàng đang hình thành mô hình 2 đáy trong ngắn hạn. Theo đó, giá vàng đã từng chạm mức 1.677USD/oz vào ngày 8/3 vừa qua rồi tăng vọt lên 1.755USD/oz. Và ngày 31/3 vừa qua, giá vàng lại một lần nữa xuống tới mức 1.677USD/oz, rồi vọt lên tới 1.730USD/oz. Nếu giá vàng vẫn tiếp tục giao dịch vững trên mức này, thì sẽ sớm phục hồi trở lại vùng 1.800USD/oz. Tuy nhiên để duy trì đà tăng ngắn hạn, giá vàng cần vượt mạnh qua mức 1.875USD/oz.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận