Giá vàng SJC chênh lệch lớn: Sự phi lý tồn tại hàng chục năm qua
Giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý, chênh lệch giữa giá mua vào -bán ra cũng rất lớn, đẩy rủi ro vào đầu người mua vàng.
Giá vàng miếng SJC chênh chưa từng có
Giá vàng cuối năm 2023 "nóng hầm hập" giữa những ngày giá lạnh khi trải qua những ngày biến động dữ dội.
Trong mấy ngày gần đây, giá vàng miếng SJC tăng, giảm chóng mặt. Sáng 26/12, giá vàng đã lên mức cao nhất mọi thời đại 80,3 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng trong phiên giao dịch 27/12 bớt sôi sục sau khi tăng phi mã trong phiên liền trước.
Nhưng đến phiên 28/12, thị trường vàng chứng kiến những biến động mạnh chưa từng thấy. Sau khi tăng nhanh vào đầu giờ sáng, đến trưa và đầu giờ chiều lại quay đầu giảm rất mạnh, tới 5-6 triệu đồng/lượng, sau đó lại bật lên.
Trong phiên này, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, giá mua vào giảm 5-6 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra cũng "bốc hơi" 3-3,5 triệu đồng/lượng. Mức giảm của giá vàng miếng trong nước vào ngày 28/12 rất nhanh và mạnh. Đây là mức điều chỉnh chưa từng thấy trong nhiều năm qua.
Do giá mua vào được điều chỉnh mạnh hơn so với giá bán dẫn đến chênh lệch mua - bán lên tới 3-5,5 triệu đồng. Đây mức cao nhất ghi nhận từ trước đến nay.
Đến ngày 29/12, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng phổ biến ở mức 3-4,5 triệu đồng/lượng.
Thông thường, giá mua - bán vàng miếng chỉ chênh nhau khoảng 1 triệu/đồng/lượng. Mức chênh cao nhất giữa giá mua vào và bán ra cho tới trước ngày 28/12 chỉ ở mức 2-3 triệu/đồng/lượng.
Ở những biến động mạnh, các đơn vị kinh doanh vàng thường kéo doãng giá mua - bán. Mức chênh giá mua vào - bán ra được các đơn vị kinh doanh vàng giữ ở mức cao để giảm bớt rủi ro cho chính mình. Chênh lệch giữa giá mua - bán lớn khiến người mua vàng chịu nhiều rủi ro.
Không chỉ chênh lệch lớn giữa giá mua - bán, giá vàng miếng SJC cũng đắt hơn giá vàng thế giới tới mức phi lý.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới luôn ở mức rất cao, thường ở mức từ 10-14 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm vọt lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Trong vài phiên gần đây, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước với giá vàng thế giới quy đổi thường từ 17-18 triệu đồng/lượng.
Điều đáng nói, không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. Tức khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn đi ngang hoặc tăng mạnh. Điều này khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng tăng mạnh.
Mấy ngày gần đây, thị trường vàng thế giới biến động không nhiều. Giá vàng giao ngay chỉ quanh quẩn ở ngưỡng 2.050-2.070 USD/ounce (quy đổi khoảng 61 triệu đồng/lượng). Nhưng các các doanh nghiệp buôn vàng vẫn kéo chênh lệch mua - bán rộng ra.
Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce.
Chẳng hạn, tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với giá vàng thế giới chỉ khoảng 5-6 USD/ounce.
Giá vàng miếng SJC không chỉ chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới mà còn đắt hơn vàng nữ trang, vàng nhẫn tới mức khó tin.
Vàng nhẫn SJC vào sáng 29/12 được giao dịch ở mức giá 62,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 63,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. So với giá bán vàng nhẫn, giá vàng miếng SJC đang cao hơn tới trên 10 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC hay vàng nhẫn 9999 thì đều có hàm lượng vàng như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài. Điều này có nghĩa người mua vàng miếng SJC phải chịu thiệt hơn so với mua vàng nhẫn tròn trơn.
Giá vàng miếng SJC nằm ngoài quy luật chung
Thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" với thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.
Thị trường vàng Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm bất thường như chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới ở mức rất cao, chênh lệch giữa giá vàng nữ trang, vàng nhẫn với vàng miếng cũng rất lớn...
Mức chênh lệch của giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới đã xuất hiện từ nhiều năm nay và khoảng cách này ngày càng được nới rộng.
Thực thế, nguồn cung vàng miếng SJC khan hiếm là yếu tố để các cửa hàng vàng kéo giá trong nước cao vọt so với thế giới.
Nguyên nhân khiến cung vàng miếng SJC thấp là do kể từ năm 2012, thương hiệu này do Nhà nước độc quyền sản xuất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.
NHNN cho biết, từ năm 2014 đến nay, cơ quan này không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC lưu thông ít. Thậm chí, vàng miếng còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp hầu như không được nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Cũng vì tình trạng nguồn cung ít, mức chênh giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới quy đổi trong nhiều năm qua luôn ở mức rất cao.
Nhiều người cho rằng, Nghị định 24 ra đời đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Sự độc quyền khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.
Nguồn cung vàng SJC đang ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu của người dân lại chủ yếu nhắm vào mặt hàng này. Nếu cơ quan quản lý không có động thái can thiệp, xu hướng nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng. Việc này sẽ tác động lên tỷ giá chợ đen cũng như gây “chảy máu” ngoại tệ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện tới NHNN và các bộ, ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế. Ngay sau đó, NHNN cũng có những chỉ đạo liên quan đến điều hành thị trường vàng và cho biết sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.
Hi vọng tới đây, thị trường vàng ở Việt Nam sẽ đi vào quỹ đạo ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận