Giá vàng “nóng” chưa từng có do diễn biến “cực lạ” của Covid-19
Giá vàng thế giới “bốc lên” trong tuần qua khi diễn biến của dịch Covid-19 có chiều hướng xấu tại Hàn Quốc và các quốc gia khác như Iran, Ý, Canada…Giá vàng trong nước tăng hơn 1,5 triệu đồng/lượng và vượt qua 2 mức cản 45 và 46 triệu đồng/lượng chỉ trong một tuần.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng trong nước đã chính thức vượt ngưỡng 46 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong vòng 8 năm.
Vàng tăng “bốc lên” vì Covid-19
Tính đến 6h00 sáng nay, giá vàng miếng SJC được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 45,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,960 triệu đồng/lượng (bán ra) – cao hơn so với phiên giao dịch cuối tuần 200 nghìn đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,07 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 46,05 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Quý đang niêm yết vàng trang sức nhẫn 24k với giá 45,2 – 45,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng SJC tại đây cũng đã vọt lên 45,7 - 46 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra.
Các sản phẩm vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đã đồng loạt vượt mốc 46 triệu đồng/lượng chiều bán ra. So với phiên đầu tuần, giá vàng đã có mức tăng gần 1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong 1 tuần, giá vàng đã tăng hơn 1,5 triệu đồng/lượng, lần lượt xuyên thủng 2 ngưỡng quan trọng 45 và 46 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng tới 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước liên tục dâng cao do giá vàng thế giới đã trải qua một tuần tăng trưởng chóng mặt. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới đang ngấp nghé ngưỡng giá 1.650 USD/ounce - cao nhất kể từ năm 2013.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 3,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/6 năm ngoái, theo số liệu của FactSet. Đây cũng là mức tăng theo tuần lớn nhất trong 8 tháng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng gần 10%.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng tăng gần 10% chia làm 2 đợt.
Đợt thứ nhất, ghi nhận vào đầu tháng 1 do tình hình căng thẳng tại Trung Đông sau khi tướng Iran bị không quân Mỹ giết chết.
Và đợt thứ 2 là do sự bùng nổ của dịch virus corona (Covid-19). Trong đó, đợt “bốc lên” của giá vàng trong đợt 2 này quan trọng hơn so với tăng giá đợt 1.
Lý giải cho vấn đề này, ông Hải chỉ ra rằng, cuối tuần qua, các ca lây nhiễm tại Hàn Quốc tăng rất mạnh. Cộng với một hiện tượng “cực lạ” là tại Iran, một vùng Trung Đông có mối liên hệ với các nơi đi từ vùng dịch Trung Quốc ít hơn, biên giới giáp với Trung Quốc không có. Hay như tại Ý và một số nước Châu Âu, đều có sự hiện diện của virus corona (Covid-19), kể cả cũng đã xuất hiện tại Canada.
Như vậy, có thể nói bệnh dịch phát triển của Covid-19 hiện nay chưa biết sẽ dừng ở chỗ nào và đi theo hướng nào. Điều này đã khiến cho đợt tăng giá lần này của vàng khó lường hơn đợt 1 khi Mỹ tấn công giết chết tướng Iran.
Thứ hai, với dịch bệnh trầm trọng tại 1 quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và đang chiếm tỷ trọng không nhỏ trong GDP của toàn cầu là Trung Quốc thì, không chỉ kinh tế Trung Quốc mà chắc chắn nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi virus corona.
“Với việc sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu buộc các quốc gia phải có các chính sách hỗ trợ như cắt giảm thuế, hạ lãi suất cơ bản, tung gói kích cầu như ở Trung Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Việc tăng cường chính sách tài khóa và tiền tệ tại các quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã là miếng mồi “cựu ngon”, nơi trú ẩn “cực tốt” cho giá vàng khiến cho giá vàng tăng vọt. Đồng thời, đẩy giá vàng trong nước vượt lên 46 triệu đồng/lượng”, ông Hải nhận định.
Chinh phục 2.000 USD/ ounce khó hay dễ?
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc giá vàng thế giới vượt qua mức cản 1.640 USD/ ounce, việc chinh phục mức cản 1.700 USD/ ounce không phải là quá khó với đỉnh của vàng trong thời gian tới.
“Việc vượt lên 1.700 USD/ ounce không phải quá khó với vàng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giá vàng thế giới có tiến lên mức 2.000 USD / ounce hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào các quốc gia trong việc không chế dịch virus corona cũng như các gói kích cầu tài khóa và tiền tệ lớn ở mức nào?”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, hiện nay, chưa xác định được đỉnh của dịch virus corona ở đâu và cũng chưa biết giới hạn ở mức độ nào. Thậm chí Tổng giám đốc WHO khẳng định, cánh cửa để khống chế dịch corona đang dần khép lại nếu như các quốc gia không hành động.
Nếu như trong tuần tới virus corona được hạn chế, vacxin được phát minh, việc lây truyền được khoanh vùng và dập tắt thì việc vàng đạt tới 2.000 USD/ ounce là không khả thi.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, đà tăng của giá vàng sẽ phụ thuộc vào dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, giá vàng “vọt” lên mức 2.000 USD/ ounce có mức xác xuất thấp tính tới thời điểm hiện nay.
“Vàng có thể tiến lên 1.800 USD/ ounce nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới quý II. Thậm chí, nếu không kiểm soát được virus corona. Cộng với tốc độ tăng trưởng và bành trướng như hiện tại của Covid-19 thì giá vàng có thể vượt qua các mức đỉnh của những năm trước. Với kịch bản này, việc giá vàng nhảy lên mức 2.000 USD/ounce không khó khăn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đặc biệt, với thị trường vàng trong nước, cung cầu kim loại quý vẫn ổn định nhưng giá vàng vẫn tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân là do vấn đề tâm lý và hoạt động đầu cơ (giới buôn đẩy giá vàng lên).
Nhìn lại giá vàng trong nước trong thời gian qua có thể thấy, kể từ tháng 6/2019 tới nay khi giá vàng thế giới bắt đầu tăng thì giá vàng trong nước cũng bật lên từ 36 triệu đồng/lượng – mức giá ghi nhận vào thời điểm vàng “ngủ đông” giai đoạn 2016 – 2018. Đến nay, thời kỳ “ngủ đông” của giá vàng đã đi qua và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do những biến động khó lường của Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận