Giá vàng hôm nay 15/6: Biến động mạnh trước thời điểm quan trọng
Giá vàng hôm nay 15/6: Giá vàng trên thị trường quốc tế tụt giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần nhưng đang hồi phục khá nhanh.
Giá vàng trong nước
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 14/6 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội giảm giá vàng 9999 khá mạnh ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 14/6, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,17 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,18 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới
Đêm 14/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.866 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.867 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 14/6 cao hơn khoảng 22,7% (368 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 52,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 14/6.
Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh theo diễn biến của đồng USD trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong 2 ngày 15-16/6.
Sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần do đồng USD mạnh lên trong khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Fed, mặt hàng kim loại quý hồi phục khá nhanh trên thị trường Mỹ.
Giá vàng đã không xuyên thủng ngưỡng 1.840-1.845 USD/ounce do vậy có thể giữ cho đà tăng đi đúng hướng.
Đà tăng của đồng USD chậm lại sau khi Trung Quốc có tín hiệu chặn đà tăng của đồng Nhân dân tệ (NDT). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa cho biết sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng có chi nhánh ở nước này từ 5% lên 7% từ ngày 15/6. Đây là sự gia tăng đầu tiên kể từ năm 2007.
Động thái trên cho thấy PBoC đã không còn giữ tâm lý chờ đợi nữa và đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã nhận thấy những bất lợi từ sự mạnh lên của đồng NDT. Theo PboC, các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của Trung Quốc đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào cuối tháng Tư.
Quyết định điều chỉnh chính sách của PBoC được công bố sau khi đồng NDT chạm mức cao nhất trong ba năm khi giao dịch trong khoảng 6,35 NDT/USD. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã tăng 13% sau khi rơi xuống mức thấp trong tháng 5/2020.
Giới đầu tư hiện theo dõi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 15-16/6 của Fed. Mục tiêu là làm rõ hơn quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về tình trạng lạm phát gia tăng và triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ.
Vàng giảm giá còn do thị trường tiền điện tử sôi động trở lại với đồng Bitcoin vượt ngưỡng 40.000 USD/Bitcoin.
Dự báo giá vàng
Trong tuần qua, giá vàng đã tăng mạnh lên ngưỡng 1.900 USD/ounce nhưng sau đó lại bị bán mạnh sau số liệu kinh tế ủng hộ đồng bạc xanh. Việc giá vàng liên tục không thành công trong việc chinh phục ngưỡng 1.900 USD khiến cho một số lệnh chốt lời xuất hiện.
Đồng Bitcoin tăng mạnh trở lại sau khi Elon Musk cho biết Tesla sẽ tiếp tục giao dịch tiền điện tử khi việc khai thác được thực hiện bởi năng lượng sạch hơn.
Trong cuộc họp G7 có nhiều ý kiến trung lập và lạc quan về sự đổi mới của kỹ thuật số bao gồm tiền điện tử. Đây là tín hiệu tốt cho đồng Bitcoin và tạo ra áp lực đối với vàng.
Dù vậy, về dài hạn, lạm phát cao sẽ là yếu tố đẩy giá mặt hàng kim loại quý đi lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận