Giá vàng hôm nay 1/4: Phục hồi từ cú trượt sâu, vàng hết nóng, giới đầu tư đang đổ tiền vào đâu?
Giá vàng hôm nay đã phục hồi trở lại trên thị trường thế giới sau phiên trượt giá mất tới hơn 40 USD/ounce.
Cập nhật giá vàng hôm nay
Sáng 30/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trải qua cú lao dốc không phanh, mất 40 USD/ounce, tương đương hơn 1 triệu đồng/lượng và mất luôn mức hỗ trợ quan trọng 1.700 USD.
Đến 22h ngày 31/3, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco hiện ở mức 1.699,3 - 1.700 USD/ounce, tăng hơn 11 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.
Theo đà giảm của giá vàng thế giới, ngày 31/3, vàng SJC cũng đi xuống và rời xa mốc 55 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/3, Tại TP. Hồ Chí minh Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 54,1 - 54,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.
Hệ thống Bảo tín Minh Châu đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng tại thị trường Hà Nội. Giá vàng SJC được niêm yết tại 54,20 - 54,50 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 ở chiều mua vào và 150.000 đồng đồng ở chiều bán ra. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng niêm yết giảm ở 49,51 - 50,16 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức cũng theo đà giảm, giao dịch tại 48,95 - 50,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC vẫn giảm tương đối chậm so với vàng thế giới. Hiện giá bán vàng miếng SJC cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,5 triệu đồng/lượng.
"Thủ phạm" khiến vàng trượt giá
Theo giới chuyên gia, chỉ số đồng USD đã chạm mức cao nhất của gần 5 tháng so với các đồng tiền khác và dự kiến sẽ ghi nhận tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2016.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ được giữ ở gần mức cao nhất của 14 tháng trong phiên trước đó và dự kiến tăng tháng thứ tư liên tiếp. Lợi nhuận trái phiếu tăng cao làm tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà kinh tế Howie Lee thuộc Ngân hàng OCBC cho biết, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ đang được triển khai có khả năng sẽ thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn và điều này có lợi cho vàng. Tuy nhiên, gói kích thích cũng khiến lợi suất tăng cao hơn, điều này không có lợi cho kim loại quý.
Sự tăng trưởng nhanh hơn dự báo của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng là lý do khiến giá vàng đi xuống. Dữ liệu chính thức cho thấy, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 3/2021, vì các nhà máy đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để áp ứng nhu cầu đang gia tăng.
Tại Mỹ, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 3/2021 cũng đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, theo đó hỗ trợ triển vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn trong những tháng tới.
Theo nhận định của Bloomberg Intelligence, vàng đã trải qua tháng 3 tồi tệ, thị trường vàng đang chững lại, kim loại quý này có vẻ đã sẵn sàng cho một "giấc ngủ ngắn" và Bitcoin có thể là thủ phạm chính gây ra sự thất bại này.
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence cho biết, thị trường vàng rõ ràng đã bị đình trệ, Bitcoin đang thay thế vai trò của vàng trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư. "Giá vàng có khả năng tăng giá hạn chế trong tương lai, trừ khi có điều gì đó bất ngờ xảy ra trong làn sóng tăng giá của Bitcoin", ông McGlone nhấn mạnh.
"Khẩu vị" đầu tư vàng đã phai nhạt
Theo McGlone, ở thời điểm hiện tại, phạm vi giao dịch của vàng sẽ bị kẹt trong khoảng từ 1.600-1.900 USD/ounce, đồng thời, kim loại quý sẽ không có đợt tăng giá trong phạm vi rộng.
"Giá vàng sẽ ổn định trong vùng giá từ 1.600-1.900 USD/ounce. Có thể cần phải có một chất xúc tác quan trọng để đưa kim loại quý trên mức cao cũ. Với mức giao dịch dưới 1.700 USD/ounce, vàng dường như bị bán tháo quá mức và có thể dễ dàng phục hồi trở lại trên mức quan trọng đó", chiến lược gia McGlone nói.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2020 USD hạ giá, tình hình bất ổn do đại dịch Covid-19 khiến giá vàng tăng vọt và vượt mức 2.000 USD/ounce, mức cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, qua 3 tháng đầu năm 2021, "khẩu vị" đầu tư vàng dường như đã phai nhạt. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang theo xu hướng "đổ tiền" vào những mặt hàng nổi trội khác như đồng, tăng 47% tính đến thời điểm hiện tại, bạch kim (tăng 20%) và Palladium (tăng 33%).
"Vì vậy, năm 2021 có thể là thách thức đối với đà tăng của giá vàng, khi lãi suất thực của Mỹ đang tăng cao hơn và USD dường như không bị bán tháo lớn trong bối cảnh đồng Euro và đồng Yen không có bất kỳ dấu hiệu tăng mạnh nào", Công ty VDSC nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận