Giá vàng cuối tuần ‘hạ nhiệt’, chênh lệch bán - mua vẫn cao
Phiên giao dịch cuối giờ ngày 15/8, giá vàng SJC tại một số cơ sở kinh doanh lớn đều giảm giá mua vào và bán ra từ 200 – 400 nghìn đồng/lượng so với phiên ngày 14/8. Tuy nhiên, mức chênh giữa giữa giá mua và bán vẫn khá cao từ 1,8 – 2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể: Tại hệ thống Doji, SJC mua vào – bán ra ở mức 54,3 – 56,10 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng/lượng mua vào và hạ 200 nghìn đồng/lượng bán ra so với phiên trước; tại Bảo Tín – Minh Châu, SJC mua vào giảm 500 nghìn đồng/lượng so với phiên 15/8 với giá là 54,30 triệu đồng/lượng; bán ra là 55,9 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng/lượng bán ra so với phiên trước.
SJC giao dịch tại hệ thống Phú Quý là 54,20 – 56 triệu đồng/lượng, giảm 600 nghìn đồng/lượng mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng bán ra so với phiên ngày 14/8. Còn ở SJC, giá vàng mua vào đều đồng loạt giảm 250 nghìn đồng/lượng với giá 54,18 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 10.000 đồng/lượng với giá là 56,20 triệu đồng/lượng.
Trước đó, tại phiên sáng cùng ngày, giá SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở ngưỡng 54,18 – 56,18 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 920 nghìn đồng/lượng mua vào và 870 nghìn đồng/lượng bán ra so với giá khảo sát sáng 14/8. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã mất khoảng 4,3 triệu đồng, tương đương 7,4% giá trị.
Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng giao ngay trên Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.944,8 USD/ounce, giảm 8 USD, tương đương 0,41% giá trị so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới ở mức 54,52 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào trong nước 340 nghìn đồng/lượng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, giá vàng thế giới tiếp đà giảm khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng và thoả thuận về một dự luật kích thích của Mỹ để giúp phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc doanh nghiệp vàng vẫn giữ chênh lệch giá mua bán ở mức vài triệu đồng/lượng cho thấy, rủi ro với việc đầu tư vàng vẫn hiện hữu và kim loại quý thế giới chưa thiết lập được vùng giá an toàn.
TS Nguyễn Trí Hiếu luôn khẳng định: Khi nhà kinh doanh vàng để chênh lệch giá mua và bán trên 1 triệu đồng/lượng là đang đẩy rủi ro về phía khách hàng. Thậm chí, có thời điểm tỷ lệ này bị đẩy lên tới 3 - 4 triệu đồng/lượng, tức là toàn bộ rủi ro giảm giá của kim quý đang do người mua gánh chịu.
“Mức chênh lệch được xem là bình thường với vàng hiện phải là 100 -300 nghìn đồng/lượng. Nếu tỷ lệ này bị đẩy lên 500 - 700 nghìn đồng/lượng tức là thị trường đã xuất hiện rủi ro và khi chênh lệch lên trên 1 triệu đồng/lượng là rủi ro ở mức rất cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang nhìn nhận giá kim loại quý thế giới tăng còn do yếu tố đầu cơ nên rủi ro giảm là rất lớn.
Trả lời câu hỏi mức chênh lệch mua và bán từ 1 - 2 triệu đồng/lượng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng có biểu hiện “làm giá”? ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói: “Các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam không ‘làm giá’ được vì không có doanh nghiệp nào đủ nguồn lực để thao túng thị trường. Các doanh nghiệp chỉ mua đi bán lại, các doanh nghiệp cũng ngại đầu cơ vì sợ rủi ro. Hơn nữa, giá vàng trong nước trong thời gian dài vừa qua tăng mạnh là vàng SJC, nguồn cung không nhiều. Nhiều người chuyển từ kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiết kiệm sang mua vàng nên không đáp ứng được nhu cầu, khiến giá bị đẩy lên cao hơn, kéo giãn chênh lệch; còn vàng nguyên liệu vẫn theo giá quốc tế nên không chênh lệch nhiều”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận