Giá USD ngân hàng chính thức lập đỉnh mới sáng 15/3
Sáng 15/3, giá USD ngân hàng bất ngờ tăng mạnh và chính thức vượt đỉnh cuối năm 2022. Hiện giá bán ra USD tại các ngân hàng đã vượt 24.900 đồng.
Cụ thể tại Vietcombank, giá USD đang được niêm yết ở mức 24.570-24.910 đồng, tăng 40 đồng so với hôm qua. Đây là mức niêm yết cao nhất tại Vietcombank từ trước đến nay.
Giá USD tại nhiều ngân hàng khác cũng lên quanh mốc 24.900 đồng. Trong đó, Techcombank tăng khoảng 40 đồng trong sáng nay lên 24.565-24.908 đồng. Tại ACB, giá USD giao dịch theo hình thức tiền mặt được niêm yết ở mức 24.540-24.940 đồng, theo hình thức chuyển khoản là 24.590-24.890 đồng. BIDV áp dụng 24.580-24.890 đồng, tăng 35 đồng so với hôm qua.
Giá USD trên thị trường tự do hôm nay cũng đảo chiều tăng mạnh sau khi liên tục hạ nhiệt các phiên trước. Hiện giá mua vào phổ biến 25.500 đồng và giá bán ra khoảng 25.550 đồng, tăng khoảng 100-120 đồng so với hôm qua. Trước đó, giá USD trên thị trường tự do lập đỉnh 25.700 đồng vào cuối tuần trước.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt hồi phục mạnh mẽ, tăng từ vùng 102,7 điểm lên 103,5 điểm.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/3 ở mức 23.979 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.781-25.177 đồng.
Liên quan đến diễn biến nóng của tỷ giá thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nhằm hạ nhiệt tỷ giá khi trở lại phát hành tín phiếu từ ngày 11/3.
Sau 4 phiên từ 11-14/3, NHNN đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi hệ thống. Giới phân tích cho rằng, thông qua việc hút về tiền VNĐ, lãi suất VNĐ trên liên ngân hàng sẽ tăng lên và thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó hạn chế hiện tượng đầu cơ USD trên thị trường.
Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán BSC cho biết, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giấy tờ có giá ngắn hạn do NHNN phát hành để thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Các chủ thể tham gia mua bán tín phiếu có NHNN và các tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại NHNN. Mục tiêu ngắn hạn khi NHNN phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản,…để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.
Nhìn lại đợt phát hành tín phiếu gần nhất là giai đoạn 21/9-8/11/2023, NHNN đã hút ròng 194.649 tỷ đồng trong giai đoạn này. Động thái hút tiền diễn ra khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh (tăng 3,48% từ đầu quý 3/2023 đến 21/9/2023). Cũng trong giai đoạn này, thanh khoản hệ thống dư thừa với lãi suất liên ngân hàng từ tháng 7/2023 ở mức thấp dưới 1%.
Sau khi NHNN hút tiền về, tỷ giá bắt đầu giảm và duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11/2023. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng mạnh hơn 2% trong giai đoạn 21/9-25/10/2023 – phản ứng với động thái hút tiền, nhưng sau đó cũng nhanh chóng giảm trở lại.
Đối với đợt phát hành từ ngày 11/3/2024, BSC cho rằng lý do NHNN trở lại sử dụng công cụ tín phiếu là để hỗ trợ cho tỷ giá khi tỷ giá vừa qua tăng mạnh do: (1) chênh lệch lãi suất đồng VNĐ và USD; (2) DXY-Index tăng (nhưng vẫn ở mức thấp 102.8); (3) Fed phát tín hiệu lùi thời điểm hạ lãi suất từ quý 1 sang quý 2/2024. BSC cũng dự báo quy mô hút ròng giai đoạn này có thể khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng. Lãi suát tín phiếu trung bình khoảng 1-1,3%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận