Giá tôm đang tăng trở lại, cá ngừ tiếp tục rớt giá
Hiện nay giá tôm đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, giá cá ngừ ở thị trường trong nước tháng 6 tiếp tục giảm do xuất khẩu giảm mạnh.
Thông tin này được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra ngày 14-7.
Theo Tổng cục Thủy sản, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất và phát triển thủy sản, đặc biệt hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Thị trường xuất khẩu đóng băng khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính 3,56 tỉ USD, chỉ đạt 35,6% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất đang có những dấu hiệu tích cực sau dịch COVID-19. Từ cuối tháng 4, tình hình thời tiết thuận lợi, nhu cầu tôm giống tăng nên các cơ sở đẩy nhanh sản xuất.
Diện tích tôm thả nuôi đến hết tháng 6 ước đạt 612.000 ha (bằng 98,9% so với cùng kỳ, và đạt 84% so với kế hoạch năm 2020). Sản lượng tôm nuôi thương phẩm ước đạt 319.000 tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ).
Trong tháng 6, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg giá 95.000 - 100.000 đồng, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Tôm sú cỡ 30 con/kg giá 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Hoạt động khai thác hải sản vẫn tăng trưởng, do giá nhiên liệu giảm so với cuối năm 2019, nên dù giá cá giảm nhưng đạt được hiệu quả khai thác, ngư dân vẫn tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển.
Sản lượng hải sản khai thác ước đạt 1,88 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2019, trong đó, khai thác biển đạt 1,8 triệu tấn, khai thác nội địa đạt gần 79.000 tấn.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, ở các địa phương gần như không có tình trạng tàu cá nằm bờ, dù giá cá có giảm.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản phẩm cá ngừ ở thị trường trong nước tháng 6 vẫn tiếp tục giảm. Giá cá ngừ các loại tại Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang giảm 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại so với tháng trước.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu thủy hải sản bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề hải sản khai thác giảm giá do tiêu thụ chậm, chưa xuất khẩu được, Tổng cục đã khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản thành các sản phẩm đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...
Tổng cục Thủy sản cũng khuyến cáo ngư dân giảm thời gian các chuyến đi biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác, kịp thời vận chuyển hải sản về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi tiêu thụ tại thị trường nội địa.
"Đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác. Sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu phục hồi các tàu tiếp tục đi khai thác sẽ có hiệu quả sản xuất cao hơn. Các tàu cá tạm dừng khai thác đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước" - ông Luân nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận