Giá tiêu thấp nhất trong vòng 10 năm, lo ngại nông dân bỏ vườn
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), bình thường giá tiêu thấp nhất cũng được 38.000 – 40.000 đồng/kg nhưng bây giờ chỉ còn 35.000 đồng/kg, trong khi giá thành của bà con khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá tiêu ngày 06/4/2020 tại Tây Nguyên và miền Nam bất ngờ giảm 500 đồng/kg, đưa giá chạm đáy nhiều năm. Giá tiêu toàn miền ghi nhận mức cao nhất là 37.000 đồng/kg tại Vũng Tàu và thấp nhất là 34.500 đồng/kg tại Gia Lai.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải Quan, ước xuất khẩu tiêu trong tháng 3/2020 đạt 33.378 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 70,42 triệu USD, đưa xuất khẩu hồ tiêu quý I/2020 đạt 73.871 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 163,68 triệu USD, tăng 5,75% về lượng nhưng lại giảm 11,24% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 2.110 USD/tấn, giảm 5,25% so với giá xuất khẩu bình quân tháng 2/2020.
Giá tiêu đang ở mức thấp trong vòng 10 năm
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), bình thường giá tiêu thấp nhất cũng được 38.000 – 40.000 đồng/kg nhưng bây giờ chỉ còn 35.000 đồng/kg, trong khi giá thành của bà con khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại, với mức giá này sắp tới có khả năng nông dân bỏ vườn tiêu rất nhiều.
Bây giờ, những vườn tiêu nào đất đai không phù hợp cho năng suất thấp đã bị bỏ, chỉ giữ lại những vườn có năng suất cao ở những tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, các vùng Gia Lai, Bình Phước hiện diện tích tiêu còn rất ít.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, Tổng giám đốc Công ty CP Giám định Cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu, giá tiêu trên thị trường nội địa đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA. |
Năm 2014, 2015 là năm giá tiêu đạt mức cao nhất khi đó tất cả nông dân không riêng gì Việt Nam, mà cả nông dân thế giới ồ ạt phát triển diện tích tiêu, nên 3 năm sau đó (năm 2017, 2018) cung bị đẩy lên cao trong khi nhu cầu tăng cao nhất cũng chỉ 2,5 đến 3%, đưa đến tình trạng cung vượt cầu, kéo giá tiêu đi xuống.
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại những nước nhập khẩu lớn của Việt Nam, vì vậy, VPA dự báo trong tháng 4, tháng 5 thậm chí tháng 6 tình hình xuất khẩu hồ tiêu vẫn chưa khả quan, các thị trường còn lại tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu giá tiêu trong nước vẫn tiếp tục đi xuống thì người nông dân sẽ không có điều kiện đầu tư vào vườn tiêu của họ, trong tình hình như vậy, nếu trữ tiêu lại cũng không có gì gọi là an toàn.
Do vậy, Hiệp hội khuyến cáo bà con cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, trong giai đoạn này tìm người mua đã khó nếu chất lượng không đạt thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn.
“Năm 2020, sản lượng tiêu Việt Nam đạt khoảng 250.000 tấn, chiếm khoảng 40% sản lượng tiêu toàn thế giới, lượng tiêu xuất khẩu chiếm trên 60% tổng lượng tiêu xuất khẩu trên toàn cầu.
Hiện nay, nguồn cung tiêu đang vượt cầu tới 20%, làm ảnh hưởng đến giá tiêu nội địa, trước khi dịch bệnh xảy ra giá tiêu đã thấp, nay có dịch bệnh nhu cầu giảm nhiều thì giá càng xuống thấp. Bây giờ thị trường xuất khẩu khó khăn, VPA kêu gọi bà con nên nâng cao chất lượng tiêu bằng cách sản xuất theo GlobalGAP, khi hạt tiêu của Việt Nam đạt chất lượng tốt sẽ dễ bán hơn so với các loại tiêu thông thường”, ông Hải nói.
Các thị trường xuất khẩu lớn đang "lockdown"
Tháng 3/2020, nhiều nước bị ảnh hưởng trực tiếp dịch COVID-19, nên tất cả các thị trường tiêu thụ giảm dần lượng mua vào, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu lớn của tiêu của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc đều giảm lượng nhập khẩu và kết quả là tháng 3 xuất khẩu sụt giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy các phương thức thanh toán không an toàn nên tiến độ giao hàng cũng bị chậm lại.
Ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó TGĐ Công ty CP TM-DV XNK Trân Châu
|
Ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPA, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần TM-DV XNK Trân Châu - Công ty xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam cho biết, hiện các thị trường lớn như Ấn Độ, Nepal đang đóng cửa (lockdown), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đang lockdown, trong khi đó thành phố Dubai là thị trường trung tâm trung chuyển tiêu Việt Nam đi các nước cũng đang trong tình trạng như vậy và thông báo đến 20/4 mới mở lại và có thể kéo dài còn tùy theo thực tế tình hình dịch bệnh của nước này.
Tại các thị trường xuất khẩu chính khác như Mỹ, Châu Âu vẫn mở cửa nhưng gần như không có các đơn đặt hàng mới, riêng thị trường Trung Quốc vẫn mua vào nhưng lượng mua thì nhỏ giọt.
Điều mà hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lo lắng nhất hiện nay là New York cũng tuyên bố đóng cửa, bởi New York là Trung tâm tài chính toàn cầu, đa số các hệ thống ngân hàng thanh toán đều nằm ở New York sau đó dòng tiền mới về Việt Nam. Hiện nay New York đang bị dịch bệnh hoành hành, nếu họ tuyên bố đóng cửa thì ảnh hưởng rất lớn.
“Thông thường trong quý II hàng năm khối lượng tiêu xuất đi nhiều nhất, nhưng quý II năm nay có khả năng không thể bằng như các năm. Thứ hai, do nhu cầu quá ít vì trong tình hình dịch nên mua bán rất chậm chạp.
Riêng công ty Trân Châu, lượng tiêu xuất khẩu trong quý I/2020 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2019, chúng tôi dự tính có khả năng quý II giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Dự đoán là vậy, nhưng nếu tháng 5, tháng 6 dịch bệnh qua đi hy vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại, khi đó chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu để bù lại”, ông Hiên cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận