Giá tiêu hôm nay 3/2: Thế giới xanh sàn, mức tăng mạnh, trong nước giảm 5,7%
Giá tiêu thế giới hôm nay 3/2 tăng mạnh, giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ).
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay 3/2 tăng mạnh so với 1 ngày trước đó, ghi nhận lúc 0h15 ngày 3/2 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) tăng 166,65 Rupee/tạ, giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 28/1/2021 đến ngày 3/2/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 317,5 VND/INR.
Vì cây hồ tiêu không thể phát triển với thổ nhưỡng và khí hậu châu Âu, nên toàn bộ số hồ tiêu được sử dụng ở châu lục này đều được nhập khẩu từ các nước như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Indonesia…
Trong vài năm gần đây, mặc dù giá tiêu toàn cầu tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu của thị trường châu Âu vẫn không ngừng tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng tương đối chậm. Nguyên nhân là do hạt tiêu là một gia vị thiết yếu trong nhiều món ăn và giá thành chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí dành cho thực phẩm.
Do đó, cơ hội để các nước xuất khẩu hồ tiêu vào châu Âu khá khả quan. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính nên việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này cũng cần tuân thủ những quy định khắt khe.
Các nhà nhập khẩu châu Âu luôn tìm kiếm nhà cung cấp mới có nhiều lợi thế cạnh tranh, sẵn sàng hợp tác lâu dài miễn là đối tác đáp ứng được các yêu cầu của họ.
Điều này cũng góp phần mở ra cơ hội cho những người trồng tiêu và những nhà xuất khẩu mặt hàng này. Nếu nhà cung đáp ứng những yêu cầu như ổn định nguồn hàng về số lượng và chất lượng, tuân thủ thời gian giao hàng, tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm thì các nhà nhập khẩu châu Âu sẵn sàng trả giá cao hơn.
Tuy nhiên, hồ tiêu xuất vào các nước châu Âu thường không được chế biến tinh. Các nhà nhập khẩu xuất tại châu lục này thường bổ sung thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm bằng cách chế biến tinh và gia công vào khâu bao bì, đóng gói.
Hiện nay, các công đoạn chế biến và xử lý nhiệt như tiệt trùng bằng hơi nước vẫn chủ yếu do các nhà chế biến châu Âu thực hiện. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước xuất khẩu hồ tiêu đầu tư về công nghệ để thực hiện công đoạn này, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Giá tiêu trong nước
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu tại thị trường trong nước vẫn duy trì mức ổn định 51.000 đồng/kg tại hầu hết các địa phương như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ngưỡng cao nhất là 53.000 đồng/kg; tại Bình Phước được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, những ngày giữa tháng 1, giá hạt tiêu đen trong nước giảm so với cuối tháng 12. Ngày 18/1, giá hạt tiêu đen giảm từ 1.500-3.000 đồng/kg (tương đương mức giảm từ 2,8-5,7%) so với ngày 31/12/2020.
Mức giảm thấp nhất là 2,8% tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; mức giảm cao nhất là 5,7% tại các huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai, xuống còn 50.000-53.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, thời gian tới, tốc độ giảm giá hạt tiêu sẽ chậm lại. Xu hướng tiêu dùng hạt tiêu đen tăng mạnh nhờ sự gia tăng các loại thực phẩm có chứa hạt tiêu đen trong kinh doanh thức ăn nhanh tại thị trường Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của hạt tiêu đen trong y học cổ truyền cũng tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2020 đạt 285,3 nghìn tấn, trị giá 660,57 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 7,5% về trị giá so với năm 2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận