menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng khiến CPI tháng 11 tăng 3,45%

Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 năm 2023

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Mười Một tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.

Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm giá, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.

Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng khiến CPI tháng 11 tăng 3,45%

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 11/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,1%)

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 11/2023 tăng 0,1% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 2,31%, tác động tăng 0,08 điểm phần trăm; thực phẩm giảm 0,32%, tác động giảm 0,07 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm.

1.1. Lương thực (+2,31%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 11/2023 tăng 2,31% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 3,16% (Gạo tẻ thường tăng 3,45%; gạo tẻ ngon tăng 2,45% và gạo nếp tăng 1,32%). Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.500-17.800 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.600-23.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 20.900-23.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.800-40.000 đồng/kg.

Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác như giá bún, bánh phở, bánh đa tháng Mười Một tăng 1,56% so với tháng trước; sắn tăng 1%; khoai tăng 0,66%; miến tăng 0,41%; bột ngô tăng 0,25%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,22%; bột mỳ tăng 0,1%.

1.2. Thực phẩm (-0,32%)

Giá thực phẩm tháng 11/2023 giảm 0,32% so với tháng trước, chủ yếu ở một số nhóm hàng sau:

– Giá thịt lợn giảm 1,57%, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Giá thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương khiến người chăn nuôi bán tháo chạy dịch trong khi nhu cầu của tiêu dùng của người dân không cao. Tính đến ngày 25/11/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg. Theo đó, giá mỡ động vật giảm 1,99% so với tháng trước; thịt quay, giò, chả giảm 0,38%; thịt chế biến khác giảm 0,16%.

– Giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,89%, trong đó giá bắp cải giảm 5,71%; su hào giảm 1,87%; khoai tây giảm 2,8%; đỗ quả tươi giảm 2,27%; rau dạng củ, quả giảm 1,81%; rau tươi khác giảm 0,88% do thời tiết thuận lợi khiến rau sinh trưởng nhanh, các loại rau củ vụ đông như bắp cải, su hào đã vào vụ thu hoạch, sản lượng cao.

Ở chiều ngược lại, có một số mặt hàng tăng giá:

– Mưa bão xảy ra tại các tỉnh miền Trung nên hoạt động khai thác thủy hải sản gặp khó khăn, nguồn cung giảm làm cho giá thủy sản chế biến tăng 0,23% so với tháng trước.

– Giá đường, mật tăng 0,66% so với tháng trước; quả tươi, chế biến tăng 0,63%; các loại đậu và hạt tăng 0,38%; nước mắm, nước chấm tăng 0,32%; đồ gia vị tăng 0,27%; bánh mứt, kẹo tăng 0,18%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,17% và sữa, bơ, pho mát tăng 0,12%.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,2%)

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 11/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,21% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,27% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,08%.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,19%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2023 tăng 0,19% so với tháng trước chủ yếu do tỷ giá đô la Mỹ tăng. Cụ thể, giá rượu bia tăng 0,16%; nước quả ép tăng 0,17%; nước giải khát có ga tăng 0,31% và thuốc hút tăng 0,19%.

3. May mặc, mũ nón, giày dép (+0,2%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 11/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng. Trong đó, giá vải các loại và mũ nón cùng tăng 0,15%; giày dép tăng 0,06%; quần áo may sẵn tăng 0,27%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; dịch vụ giày, dép tăng 0,25%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,05%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,01 điểm phần trăm do các nguyên nhân chủ yếu sau:

– Giá gas tăng 0,89% so với tháng trước, nguyên nhân là từ ngày 01/11/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 4.000 – 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 5 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn lên mức 615 USD/tấn).

– Giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cùng tăng 0,08% so với tháng trước, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,36% do nhu cầu tăng vào cuối năm.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước:

– Giá điện sinh hoạt và giá nước sinh hoạt lần lượt giảm 1,45% và 0,13%[1] do nhu cầu tiêu dùng giảm khi thời tiết mát.

– Giá dầu hỏa giảm 5,53% chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/11/2023, 13/11/2023 và 23/11/2023.

5. Thuốc và dịch vụ y tế (+2,9%)

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 11/2023 tăng 2,9% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 2,27%; khám chữa bệnh nội trú tăng 5,13%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

6. Giao thông (–0,01%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11/2023 giảm 0,01% so với tháng trước, chủ yếu do:

– Ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/11/2023, 13/11/2023 và 23/11/2023 làm cho giá xăng giảm 1,4% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 7,14%.

– Giá xe ô tô mới, xe máy và xe ô tô đã qua sử dụng lần lượt giảm 0,17%; 0,05% và 0,24% do các hãng xe áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại có một số mặt hàng tăng giá:

– Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 12,89% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 72,63%; đường bộ tăng 0,11%; riêng vé tàu hỏa giảm 1,23%.

– Giá phụ tùng ô tô tăng 0,11%; lốp, săm xe đạp tăng 0,62%; phụ tùng khác của xe đạp tăng 0,3%.

– Dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,23%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 0,24%, dịch vụ trông giữ xe tăng 0,03% do chi phí nhân công tăng.

7. Giáo dục (+0,38%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng Mười Một tăng 0,38% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,42%[2] do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giá vở, giấy viết các loại tháng Mười Một tăng 0,04% so với tháng trước; giá bút viết tăng 0,1%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,17%.

8. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,32%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 11/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 2,39%; dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 0,24%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,51%; dịch vụ về hỉ tăng 0,36% do nhu cầu tăng.

9. Chỉ số giá vàng (+2,77%)

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/11/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.982,01 USD/ounce, tăng 3,8% so với tháng 10/2023 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lập trường giữ lãi suất điều hành ở mức 5,25-5,5% để kéo lạm phát về 2%. Sự sụt giảm lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD đang làm tăng sức hấp dẫn đầu tư vào vàng. Bên cạnh đó, giá vàng tăng do nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và ở khu vực châu Á trong dịp cuối năm. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 2,77% so với tháng trước; tăng 8,8% so với tháng 12/2022; tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,38%.

10. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,05%)

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm khi chỉ số CPI tháng 10/2023 của Mỹ cũng như chỉ số giá sản xuất (PPI) ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 do giá năng lượng suy yếu. Đồng bạc xanh đã ghi nhận mức giảm mạnh so với các loại tiền tệ chính khác khi lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Đồng thời việc FED ngừng tăng lãi suất cũng khiến giá USD khó hồi phục. Tính đến ngày 25/11/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 105,05 điểm, giảm 0,91% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.605 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12/2022; giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,94%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại