Giá thịt lợn tăng cao, Trung Quốc có tăng nhập khẩu thịt?
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với các hiệp hội công nghiệp, các công ty chăn nuôi lợn và cơ sở giết mổ để đảm bảo nguồn cung thị trường và ổn định giá cả.
Trung Quốc xem xét xả kho thịt lợn dự trữ để ngăn chặn giá thịt lợn tăng cao
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đang xem xét xả kho thịt lợn dự trữ và đưa ra hướng dẫn cụ thể với từng địa phương để ngăn chặn giá thịt lợn tăng cao.
Theo Ủy ban trên, Trung Quốc phải thực hiện giải pháp này để giảm áp lực nguồn cung thịt lợn cho thị trường hiện đang thiếu hụt do một số hộ chăn nuôi không muốn bán ra thị trường và thực tế này đã đẩy giá thịt lợn lên cao trong thời gian gần đây.
Từ ngày 20 đến ngày 24/6, giá thịt lợn trung bình do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc theo dõi đã tăng 5,4% trong tuần và tăng 31,6% so với một năm trước.
Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với các hiệp hội công nghiệp, các công ty chăn nuôi lợn và cơ sở giết mổ để đảm bảo nguồn cung thị trường và ổn định giá cả.
Cơ quan này cũng sẽ ban hành hướng dẫn chính quyền địa phương trong công tác xả kho thịt lợn dự trữ kịp thời để cung cấp cho thị trường nhằm đạt được hiệu quả bình ổn giá như mục tiêu đã đề ra.
Thịt lợn là loại thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại Trung Quốc. Trung bình mỗi ngươi dân nước này tiêu thụ 25kg thịt lợn/năm.
Cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc đang chịu tác động của tình trạng "bão giá" lương thực.
Tuy nhiên, giá thịt lợn ở nước này chịu ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm gần đây do dịch tả lợn châu Phi khiến cơ quan chức năng nước này phải tiêu hủy nhiều đàn lợn và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thịt lợn.
Trong bối cảnh giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng cao, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có tăng cường nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt?
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu lớn khác có sự phục hồi sau thời gian gián đoạn nguồn cung cấp liên quan đến đại dịch thì nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc lại liên tục lao dốc trong những tháng đầu năm nay.
Cụ thể, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 5, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 130 nghìn tấn thịt lợn, tương đương 240,5 triệu USD, giảm 66% về lượng và giảm 76% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 680 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, với 411 triệu USD, chiếm 30,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ hai là Brazil, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ thị trường này đạt 282 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng thị trường lợn ở Trung Quốc trong thời gian tới vẫn khá thấp do các lệnh hạn chế phong tỏa chống Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và thói quen của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng thịt gia cầm.
Vài tháng gần đây, giá thịt lợn ở Trung Quốc có khởi sắc nhưng tỷ suất lợi nhuận kém nên người chăn nuôi không mặn mà, tổng đàn nái của nước này dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn, thông tin được đưa ra bởi Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, thị trường vẫn phải đối mặt với những hạn chế, gồm cả các lệnh phong tỏa chống Covid-19, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Triển vọng nhu cầu đối với thịt lợn của Trung Quốc vẫn khá thấp do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 và sự chuyển đổi tiêu thụ sang thịt gia cầm.
Trong khi đó, Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đàn lợn nái của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong ngắn hạn do tỷ suất lợi nhuận kém, mặc dù giá thịt lợn tăng trong mấy tháng gần đây.
Tháng 5/2022, Trung Quốc cũng nhập khẩu 220 nghìn tấn thịt trâu, bò (HS 2001, 0202), với trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 79,4% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh của Trung Quốc đạt 920 nghìn tấn, trị giá 6 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc...
Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 33,5% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc.
Được biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 5/2022, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 6,7 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 6,23 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 24,89 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Trong tháng 5/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Pháp, Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 43,43% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 773 tấn, trị giá 3,56 triệu USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông 2,54 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 13,31 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con...
Trong tháng 5/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Đùi ếch đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con; thịt lợn nguyên con đông lạnh… Trong đó, đùi ếch đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 518 tấn, trị giá 1,57 triệu USD, tăng 189,4% về lượng và tăng 54,1% về trị giá so với tháng 5/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 3.033 USD/tấn, giảm 46,7% so với tháng 5/2021. Đùi ếch đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Papua New Guinea, Hàn Quốc… Trong đó xuất khẩu sang thị trường Pháp chiếm 48,1% và Bỉ chiếm 25% tổng lượng đùi ếch đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 5/2022.
Việt Nam hiện đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Hồng Kông là thị trường xuất khẩu thịt lợn đã qua giết mổ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 95% thị phần, thứ hai là Thái Lan 3% và một lượng nhỏ qua Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc.
So với các thị trường trong khu vực, giá lợn hơi của Việt Nam hiện thấp hơn các nước Thái Lan, Lào, Campuchia nhưng cao hơn Trung Quốc nên trong các tháng đầu năm 2022, thịt lợn Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia dự báo, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể sẽ phải tăng trở lại vào năm 2022, sau khi giảm vào năm 2021. Năm 2022, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 4,8 triệu tấn thịt, tăng gần 6% so với 2021.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay với Việt Nam là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.
Hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm lợn, gia cầm, trâu bò; chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận