Giá thịt lợn tăng cao, đại biểu Quốc hội cho rằng có sự thao túng của thương lái
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc giá thịt lợn tăng quá cao trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế.
Về việc giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, bên hành lang Quốc hội sáng 23/5, nhiều đại biểu đánh giá cao việc chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành bình ổn giá thịt lợn cũng như nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với các giải pháp tăng đàn, tái đàn lợn hướng tới cân đối cung cầu mặt hàng này trên thị trường.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giá thịt lợn liên tục tăng giá trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế. Giá thịt lợn là theo cơ chế thị trường với quy luật cung - cầu, để điều tiết phải có giải pháp về kinh tế.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn Quảng Trị), giá thịt lợn vận hành theo cơ chế thị trường với quy luật cung - cầu. Chúng ta đã chấp nhận cơ chế thị trường quan hệ cung - cầu, trừ khi chúng ta điều tra phát hiện có sự thao túng, có sự độc quyền.
"Tôi cho rằng, trong thời gian qua Bộ NNPTNT đã triển khai rất quyết liệt biện pháp tái đàn, báo cáo Chính phủ về nguồn cung thịt lợn, để từ đó có những giải pháp phù hợp. Trước mắt là phải nhập khẩu thịt lợn để cân bằng nhu cầu trong nước. Thứ hai, về giải pháp lâu dài trong thời gian qua là chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề tái đàn, đặc biệt là công nghệ sinh học nhân giống, thậm chí giống của chúng ta chưa làm được thì yêu cầu nhập khẩu giống. Có như vậy, chúng ta mới tái đàn nhanh để cung cấp cho thị trường", ông Đỗ Văn Sinh nhận định.
Đồng tình quan điểm, đại biểu Nghiêm Văn Khải, đoàn Hải Phòng cho rằng, giá thịt lợn tăng cao do khâu thương mại nhiều nơi, nhiều chỗ chưa minh bạch, đạo đức kinh doanh và trục lợi của thương lái; vì vậy, các biện pháp quản lý thị trường cần phải đẩy mạnh làm sao để tránh tình trạng “thổi giá”, “bơm giá” lên để trục lợi.
"Xét về nguồn cung thì ngành chăn nuôi và chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT tạo điều kiện để tăng đàn. Vấn đề là làm sao để giá thành thịt lợn hơi giảm đi thì giá thịt lợn ngoài chợ cũng sẽ giảm xuống. Ở đây là biện pháp quản lý thị trường, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương, chính quyền địa phương phải có sự kết hợp bởi giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng", ông Khải nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội nêu ý kiến chuỗi cung ứng thịt lợn phải tuân theo quy luật.
"Giờ chúng ta bảo [đưa thịt lợn] từ doanh nghiệp mà đi thẳng đến người dân cũng rất là khó. Bất kỳ một loại sản phẩm nào cũng phải có một mạng lưới phân phối và phải qua khâu trung gian nhưng làm cách nào giám sát được các khâu trung gian đó càng ngắn thì lợi ích cho người dân sẽ càng nhiều", bà Thủy nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng 21/4, nhắc tới giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là giá thịt lợn tăng cao thời gian qua, Thủ tướng đặt câu hỏi, liệu có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không? Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này và nêu ra biện pháp xử lý.
Cho rằng giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là 'quá đáng', Thủ tướng đặt vấn đề: "Người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng". Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.
"Chi phí khâu trung gian là rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng, có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận