Giá thép cuộn cán nóng “tăng nhiệt”
Nhu cầu thép gia tăng
Mỹ sốt nóng với thép
Thép cuộn cán nóng (HRC) là nguyên liệu phổ biến cho nhiều ngành sản xuất như ống thép, tôn mạ, kết cấu thép, chế tạo cơ khí, ô tô, sản phẩm gia dụng (tủ lạnh, điều hòa, lò nướng, máy rửa bát...).
Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các bang tại Mỹ đều phải áp dụng lệnh phong toả nghiêm ngặt, khiến các nhà máy thép giảm sản lượng. Người dân bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho đồ dùng trong nhà, bao gồm các loại có sử dụng nguyên liệu thép.
Thêm vào đó, nhu cầu xây dựng nhà cửa cũng tăng làm cho lượng cầu về vật liệu xây dựng, bao gồm sắt, thép tăng cao. Nhu cầu sử dụng thép phục hồi nhanh chóng, trong khi hoạt động sản không theo kịp và giá quặng sắt (nguyên liệu để sản xuất thép) tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến giá thép leo thang.
Giá thép HRC giao tương lai đã tăng gần 220% kể đầu năm 2020 đến nay, chạm ngưỡng 1.880 USD/tấn, trong khi những năm trước chỉ dao động trong khoảng 500 - 800 USD/tấn.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thép của Mỹ đã chi hàng tỷ USD để mua thêm các nhà máy nhằm tăng năng lực sản xuất, nhưng kế hoạch này bị đình trệ bởi thị trường lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Fastmarkets dự báo, giá thép HRC có thể đạt đỉnh mới trong quý III/2021, khoảng 1.900 - 2.000 USD/tấn. Sau đó, giá có khả năng điều chỉnh khi các nhà máy sản xuất bắt kịp nhu cầu thị trường.
Trung Quốc giảm sản lượng
Nước sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang thực hiện những cam kết hạn chế ô nhiễm công nghiệp sau khi sản lượng thép gia tăng trong nửa đầu năm 2021 và khiến lượng phát thải tăng cao (ngành thép phát thải carbon lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, tạo ra khoảng 10 - 20% tổng lượng khí thải carbon ở nước này).
Theo đó, Trung Quốc sẽ hạn chế sản lượng thép thô trong năm 2021 ở mức không cao hơn 1,065 tỷ tấn của năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà sản xuất thép sẽ phải cắt giảm sản lượng khoảng 10% so với nửa đầu năm. Việc này có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trên thị trường nội địa, đẩy giá thép tăng lên, dù hoạt động xuất khẩu bị hạn chế khi thuế xuất khẩu thép đã có 2 lần tăng trong 3 tháng qua.
Thị trường thép Việt Nam tăng trưởng
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7/2021, sản xuất thép các loại đạt gần 2,4 triệu tấn, giảm 6,48% so với tháng 6, nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 7 đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt hơn 18,3 triệu tấn, tăng 33,5%, trong đó sản lượng sản xuất thép xây dựng đạt 6,1 triệu tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Tính riêng thép xây dựng, sản lượng sản xuất tháng 7 đạt 728.997 tấn, giảm 13,9% so với tháng 6 và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, lượng thép bán ra trong tháng 7 tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó bán hàng nội địa tăng 3% và xuất khẩu đạt 986.144 tấn, tăng 25,4%. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm ASEAN - chiếm khoảng 1/3, Trung Quốc chiếm 1/5, EU chiếm 1/10, Mỹ chiếm 1/20.
Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ tháng 7 là 791.416 tấn, tăng 20,8% so với tháng 6, nhưng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch Covid-19 khiến nhiều công trình tạm thời bị hoãn trong tháng 7, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Bộ Công thương cho rằng, ngành thép cần tăng năng lực sản xuất, bình ổn mặt bằng giá cả trong nước, bởi mặt hàng này trong thời gian gần đây có nhu cầu lớn nhưng lại đang được xuất khẩu nhiều.
Hoà Phát sẽ tăng công suất thêm 70%
Trung Quốc là nơi sản xuất gần 60% lượng thép thô toàn cầu, nên động thái siết chặt sản lượng của nước này đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thép tại khu vực Đông Nam Á như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) có cơ hội mở rộng thị trường.
Hoà Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và đang có kế hoạch khởi công lò cao với tổng mức đầu tư 3,7 tỷ USD vào đầu năm 2022. Lò cao mới có thể giúp Hòa Phát bổ sung 5,6 triệu tấn thép (tăng 70%) vào công suất hàng năm, lên mức 14 triệu tấn, bao gồm 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát sản xuất 4 triệu tấn thép thô, tăng 55%; sản lượng bán các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, doanh thu đạt 66.295 tỷ đồng, tăng 67%; lợi nhuận sau thuế đạt 16.751 tỷ đồng, tăng 231% so với cùng kỳ.
Đối với thép HRC, nhu cầu hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tấn. Hòa Phát bắt đầu sản xuất thép HRC từ tháng 5/2020, là doanh nghiệp trong nước thứ hai sản xuất mặt hàng này sau Formosa Hà Tĩnh ra mắt sản phẩm cuối năm 2015, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Số thép nhập khẩu chiếm gần một nửa nguồn cung, đa số đến từ thị trường Trung Quốc. Lò cao mới của Hòa Phát khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đủ công suất để thay thế phần lớn lượng hàng nhập khẩu.
Việt Nam là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất Đông Nam Á. Trong 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất thép các loại đạt hơn 18,325 triệu tấn, tăng 33,5%; tiêu thụ hơn 16,161 triệu tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2020 (trong đó, xuất khẩu hơn 4,078 triệu tấn, tăng 78,9%, trị giá 5,6 tỷ USD, tăng 121%); nhập khẩu hơn 8 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 42,4% về giá trị, đạt 6,79 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận