24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quyền Nguyễn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?

Nền móng quý 1 đang được doanh nghiệp xây dựng vun đắp cẩn thận.

Việc đắp nền móng vững chắc trong quý đầu năm được kỳ vọng sẽ là tiền đề giúp nhóm ngành xây dựng lội ngược dòng trong năm 2021. Tuy nhiên, điểm bất cập ở đây là giá thép đang tăng một cách chóng mặt khiến các nhà thầu “chao đảo”. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng tác nhân này có phá tan mọi kỳ vọng đối với nhóm ngành xây dựng trong quý tiếp theo?

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong tổng số 116 doanh nghiệp xây dựng công bố BCTC quý 1/2021, có 51 doanh nghiệp tăng lãi, 23 doanh nghiệp giảm lãi, 10 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ, 10 doanh nghiệp giảm lỗ, 16 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi6 doanh nghiệp tăng lỗ.

Với kết quả đó, nhóm doanh nghiệp xây dựng đã tạo ra hơn 30,806 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với cùng kỳ và lãi ròng tăng mạnh 71%, đạt gần 1,663 tỷ đồng.

Thu hơn trăm tỷ lợi nhuận

Đứng đầu trong top báo lãi ròng khủng quý đầu năm là Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE). Mặc dù doanh thu chỉ nhích nhẹ không đáng kể nhưng lãi ròng của REE lại tăng mạnh 62%, đạt 416 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, doanh thu tài chính và lãi công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh.

Lãi từ chênh lệch tỷ giá trong kỳ lên tới hơn 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ở mức hơn 900 triệu đồng. Nhờ đó, doanh thu tài chính của Công ty đạt hơn 111.6 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khoản đầu tư chứng khoán vào Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) của REE giảm từ 404.6 tỷ đồng thời điểm đầu năm về còn gần 95 tỷ đồng.

3 doanh nghiệp xây dựng báo lãi hơn trăm tỷ đồng. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Liền sau đó là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) với lãi ròng tăng phi mã lên gần 342 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý 1 cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với kết quả này, VCG đã thực hiện được 78% chỉ tiêu doanh thu và 35% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm dù chỉ vừa hết quý đầu năm. Cũng trong kỳ này, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của “ông lớn” xây dựng VCG ghi nhận âm hơn 1,512 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1,061 tỷ đồng) do tăng các khoản phải thu.

Nhờ bàn giao dự án và hoạt động M&A tại một số dự án bất động sản, đồng thời các dự án năng lượng tái tạo cũng bắt đầu có đóng góp doanh thu đã giúp CTCP Bamboo Capital (HOSE: BCG) báo lãi “bứt phá” trong quý đầu năm, đạt 118 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ ở mức hơn 1 tỷ đồng.

Hay như Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) cũng báo lãi cao gấp 44 lần, lên mức hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu là do sự sa sút của mảng bán hàng hóa, còn doanh thu xây dựng tăng 36% lên gần 98 tỷ đồng. Lợi nhuận đi ngược doanh thu là do doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí giảm, đồng thời Công ty cũng hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc họ FLC cũng ghi nhận lợi nhuận khác 6.9 tỷ đồng từ đánh giá lại tài sản đem góp vốn.

Hoàn thành công tác bàn giao nhà thuộc dự án Diamond Park Lạng Sơn và đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, giá vốn vào kết quả kinh doanh đã giúp lãi ròng của Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) tăng mạnh lên hơn 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 3 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp xây dựng báo lãi tăng mạnh trong quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Doanh thu tăng trong khi chi phí được tiết giảm là nguyên do đã giúp Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) chuyển lỗ 10 tỷ đồng thành lãi ngoạn mục ở mức 42 tỷ đồng trong quý 1.

Tương tự, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) cũng thoát lỗ nhờ quý 1 Công ty con là Đầu tư và Xây dựng Cầu Đồng Nai (DNC) đã hạch toán chi phí lãi vay không được vốn hóa trong giai đoạn khai thác vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến ngày 24/08/2020, trạm thu phí Cầu Đồng Nai đã tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy, Công ty DNC đã ngưng phân bổ khoản chi phí này cho phù hợp với phương án tài chính của dự án trong khi chờ quyết định chính thức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Doanh nghiệp xây dựng thoát lỗ trong quý đầu năm 2021. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Lần lượt “quay xe”

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) dẫn đầu nhóm giảm tốc với lãi ròng chỉ ghi nhận vỏn vẹn 4.4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 246 tỷ đồng. CII cho biết nguyên nhân là do phát sinh lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính với giá trị lớn mà trong kỳ này không phát sinh, mặt khác chi phí tài chính cũng tăng so với kỳ trước.

Với kết quả không mấy tươi sáng trong quý 1, việc đặt kế hoạch thu về 6,700 tỷ đồng doanh thu và 615 tỷ đồng lãi ròng cả năm liệu có bị trùng xuống? Được biết, trong năm 2021, CII sẽ đầu tư các dự án trọng điểm như mở rộng Xa Lộ Hà Nội, Trung Lương - Mỹ Thuận, các dự án BOT khác, căn hộ chung cư D’Verano, dự án 152 Điện Biên Phủ, các dự án bất động sản tại NBB…

Đáng chú ý là việc triển khai dự án Fintech của CII. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, TGĐ Lê Quốc Bình cho hay: “Công cụ Fintech để nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp qua Smartphone. CII đang làm việc với 4 ngân hàng tên tuổi và các đơn vị gồm CTCK, ví điện tử và bản thân CII sẽ lập ra 1 công ty Fintech. Công ty này sẽ trực thuộc CII, là cầu nối để các nhà đầu tư có tầm 3-5 triệu đồng có thể đầu tư. Chúng tôi sẽ thu phí 3-4%/năm. Sản phẩm này sẽ kết nối những người có tiền nhàn rỗi với dự án BOT của chúng ta. Nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0. Năm 2021-2022, CII đặt mục tiêu làm thành công Fintech và sẽ thu được hơn 10,000 tỷ đồng nếu làm xong dự án này”.

Top 20 doanh nghiệp xây dựng báo lãi giảm trong quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Về phía Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt giảm gần 28% và 56% trong quý 1/2021, xuống còn 2,569 tỷ đồng và 54.5 tỷ đồng. Theo CTD, trong quý đầu năm nay, doanh thu mảng xây dựng của nhà thầu lớn nhất nước chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, cùng với đó, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19.

Những tháng đầu năm cũng là giai đoạn giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt là thép, và qua đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà thầu.

Đắng lòng hơn là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (UPCoM: LLM). Lãi hóa lỗ trong gang tấc không đến từ hoạt động xây lắp mà nguyên nhân là do doanh thu tài chính giảm mạnh 58%, xuống còn 14 tỷ đồng

Doanh nghiệp xây dựng có lãi hóa lỗ trong quý 1. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Lỗ hơn 66 tỷ đồng quý 1 đã nâng tổng lỗ lũy kế của An Thịnh (UPCoM: ATB) tính đến 31/03/2021 lên gần 85 tỷ đồng. Với kết quả “u buồn” này, ATB cho biết nguyên nhân do Công ty không tiếp cận được các Công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, doanh thu chủ yếu là các dịch vụ tư vấn, thí nghiệm vật liệu công trình. Mặt khác, sản xuất kinh doanh các lĩnh vực như khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên do ảnh hưởng của dịch nên một số kế hoạch chưa thực hiện được, đồng thời các chi phí ghi nhận khá lớn nên lỗ nặng trong quý đầu năm.

6 doanh nghiệp xây dựng có lỗ chồng lỗ trong quý 1. Đvt: Tỷ đồng

Giá thép “bốc đầu” có phá tan thành trì mà doanh nghiệp xây dựng vun đắp trong quý 1?
Nguồn: VietstockFinance

Điểm lưu ý đối với nhóm ngành xây dựng là việc giá thép tăng chóng mặt đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng. Kết quả quý 1 liệu có bị xóa tan khi giá thép liên tục leo thang?

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) ngày 19/04/2021 đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, Hiệp hội đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu nhằm tránh những tổn thất không đáng có khi giá thép liên tục tăng cao.

Theo VACC, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4. VACC nhấn mạnh các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định ở thời điểm ký, không điều chỉnh theo thời giá (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả