Giá thép bật tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được phục hồi?
Nhu cầu tiêu thụ tăng, giá thép trong nước phục hồi cùng với chi phí sản xuất giảm ở mức thấp sẽ là yếu tố giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp thép được cải thiện trong quý 4.2022.
Trong báo cáo mới đây về ngành thép, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong quý 4.2022 sẽ tăng trưởng trở lại.
Ngoài ra, VDSC cũng cho rằng doanh số bán thép xây dựng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các mặt hàng thép dẹt, qua đó thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp như Hòa Phát được phục hồi.
Giá thép bật tăng trở lại
Sau khi giảm liên tiếp 15 lần với mức giảm tổng cộng cao nhất khoảng 6 triệu đồng/tấn, giá thép trong nước đồng loạt bật tăng mạnh trở lại.
Ngày 31/8 là ngày đầu tiên bắt đầu chuỗi tăng mới này. Kỳ tăng mới nhất là vào trung tuần tháng 9, giá thép tăng mức cao nhất tới 880.000 đồng/tấn. Được biết, đây là lần tăng giá bán thứ 3 liên tiếp của các thương hiệu thép xây dựng trong nước với tổng mức tăng đến 2 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại khu vực miền Bắc, giá bán lên mức 15,22 triệu đồng/tấn. Còn thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức giá 15,43 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý cũng điều chỉnh tăng lần lượt 400.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn với 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,12 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá với 2 mặt hàng trên lần lượt 400.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên mức 15,12 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu thép niềm Nam, giá thép mới nhất đối với loại thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 là 15,43 triệu đồng/tấn và 15,83 triệu đồng/tấn, sau khi điều chỉnh tăng 410.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn.
Thép Pomina điều chỉnh tăng giá với 2 mặt hàng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt 300.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn lên mức 15,63 triệu đồng/tấn và 16,34 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh giá bán lần này, thép Việt Nhật là thương hiệu ghi nhận mức tăng mạnh nhất. Cụ thể, thép Việt Nhật thông báo tăng 880.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và tăng và 470.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá 2 loại thép này lần lượt là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.
Hiện giá bán mặt hàng thép xây dựng đang dao động trong khoảng 15-16,5 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Tuy nhiên, đây là mức giá điều chỉnh từ phía nhà máy sản xuất, mức giá thép bán lẻ thực tế cao hơn khoảng 1 triệu đồng/tấn so với mức giá này, ngưỡng 16-17,5 triệu đồng/tấn.
Chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận sẽ được phục hồi?
Theo Chứng khoán Rồng Việt, các nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và than luyện cốc bị ảnh hưởng bởi biến động của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua khiến giá các mặt hàng này tăng giảm khó lường.
Cụ thể, sau khi tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm, giá than luyện cốc đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 5 do nhu cầu mặt hàng này suy yếu. Theo đó, giá than cốc sản xuất thép từng đạt đỉnh 625 USD/tấn vào giữa tháng 3.2022 nhưng hiện đã giảm xuống mức 272 USD/tấn trong thời gian gần đây.
Tương tự, cùng với giá than luyện cốc đã giảm, giá quặng sắt cũng giữ ổn định ở mức khoảng 95-100 USD/tấn trong 2 tháng. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, giá nguyên liệu này có thể giảm tiếp trong quý 4 tới đây.
Với việc giá các nguyên liệu đầu vào đang ở mức thấp, VDSC cho rằng chi phí sản xuất thép thô của các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm đáng kể trong quý 3 và còn tiếp tục giảm tiếp trong quý 4.2022.
VDSC ước tính, chi phí sản xuất thép thô trong quý 3 là 13,4 triệu đồng/tấn, giảm gần 8% so với giai đoạn quý 2 vừa qua.
Trên thực tế, sản lượng bán hàng thép xây dựng đã tăng mạnh trong tháng 9 được cho là do tác động tâm lý từ việc giá tăng thép trong các phiên vừa qua.
Theo đó, nhu cầu tiêu thụ tăng, giá bán được cải thiện cùng với chi phí sản xuất đầu vào ở mức thấp sẽ là động lực giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp thép được cải thiện trong quý 4.2022. Tuy nhiên, quý 3 sẽ là đáy lợi nhuận năm 2022 của một số doanh nghiệp thép theo nhận định của VDSC.
Quý 3 là đáy lợi nhuận năm 2022 của Hòa Phát
Có thể thấy quý 2.2022 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép và Hòa Phát cũng không ngoại lệ. Cụ thể, lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép đạt hơn 4.000 tỉ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ do biên lãi gộp giảm đáng kể trong bối cảnh chi phí đầu vào cao và giá thép giảm.
Bước sang quý 3, do giá thép giảm mạnh từ đầu năm, tiêu thụ mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ giảm cùng với lượng hàng tồn kho tăng cao có thể dẫn đến kết quả kinh doanh trong quý 3 của doanh nghiệp này tiếp tục giảm so với quý 2 trước đó.
Một đại diện của Hòa Phát cho biết công ty đã giảm các khoản nợ bằng USD để hạn chế lỗ tỷ giá và tiếp tục có kế hoạch giảm tiếp trong quý cuối năm.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm và bước sang năm 2023, VDSC kỳ vọng doanh số bán thép xây dựng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các mặt hàng thép dẹt.
Cụ thể, những khách hàng lớn của Hòa Phát là các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau trong một thị trường nội địa nhỏ trong những tháng tới để giảm lượng hàng tồn kho giá cao.
Trên thị trường, hiện cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang giao dịch với PER 4,5, thấp hơn đáng kể so với PER trung bình 8,3 trong 5 năm qua. VDSC đánh giá lợi nhuận của Hòa Phát tiếp tục ở mức thấp, sẽ không có nhiều động lực thúc đẩy giá cổ phiếu cho đến cuối năm.
Tuy nhiên, do thị trường thép khởi sắc và ảnh hưởng của việc tăng giá bán thép thời gian gần đây, VDSC định giá mục tiêu cổ phiếu HPG ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng mức sinh lời 43%.
Thị trường thép phục hồi vào những tháng cuối năm?
Thời gian tới, dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép trong nước.
VDSC cho biết, nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Tương tự, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, những tháng cuối năm, thị trường thép Việt Nam sẽ có những tín hiệu phục hồi sau khi trải qua giai đoạn khó khăn sau chuỗi 15 lần giảm giá liên tiếp vừa qua.
Hiện thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý 4.2022 bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Tuy nhiên, VSA cho rằng, việc nhu cầu thép trong giai đoạn này có thể tăng hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép vẫn còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận