menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Chín

Giá than Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục

Trung Quốc ghi nhận giá than nhiệt tăng lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh lũ lụt do mưa bão gần đây tại tỉnh sản xuất than trọng điểm Sơn Tây khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung thêm trầm trọng.

Giá than nhiệt giao tháng 10 trên sàn giao dịch Trịnh Châu đã tăng 8% lên 1.781 NDT (276 USD)/ tấn, đánh dấu mức tăng 124% từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, giá than giao tháng 11 tăng 9,4% lên hơn 1.800 NDT/tấn.

Số liệu Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố cùng ngày cho thấy lượng than nhiệt nhập khẩu trong tháng 9 là 32,88 triệu tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất trong năm 2021.

Giá than đã tăng mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép các nhà máy điện điều chỉnh giá điện dựa trên các điều kiện của thị trường.

Đây là sự điều chỉnh chính sách mang tính bước ngoặt, bởi trước đây chính phủ nước này cho phép các ngành ấn định giá điện cố định với các nhà cung cấp.

Động thái trên là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp được chính phủ đưa ra nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng trong nguồn cung ứng điện, vốn đã buộc một số ngành công nghiệp của Trung Quốc phải hạn chế sử dụng điện trong những tuần gần đây.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng do nguồn cung thiếu hụt và giá nhiên liệu cao kỷ lục.

Chính phủ nước này đã thực hiện một loạt bước đi để thúc đẩy sản xuất than và quản lý nhu cầu tiêu thụ điện tại các nhà máy sản xuất công nghiệp.

Chính quyền địa phương quản lý các cơ sản xuất than tại tỉnh Sơn Tây và khu tự trị Nội Mông đã yêu cầu khoảng 200 mỏ tăng sản lượng, nhưng tình trạng mưa không ngớt đã làm ngập 60 mỏ ở Sơn Tây.

Trong một cuộc họp báo mới đây, một quan chức tỉnh Sơn Tây cho biết 4 mỏ với tổng công suất hàng năm là 4,8 triệu tấn vẫn đóng cửa.

Giá than Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục

* Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc đã ghi nhận sự bứt phá ngạc nhiên trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ở mức cao giúp bù đắp một số áp lực lên các nhà máy như thiếu điện, nguồn cung gián đoạn và sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 trong nước.

Theo đó, các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 9 đã tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 25,6% trong tháng 8. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có sự phục hồi ấn tượng sau đại dịch nhưng có những dấu hiệu cho thấy đà này đang mất dần.

Do vậy, xuất khẩu bền vững có thể tạo ra bước đệm chống lại một số tác nhân như hoạt động của nhà máy suy yếu, hay lĩnh vực bất động sản tăng trưởng chậm lại.

Theo nhà kinh tế học Erin Xin tại HSBC, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ngay cả sau khi bỏ qua một số tác động cơ bản.

Một số nhà phân tích khác cho rằng việc cắt điện luân phiên trong tháng 9 có thể chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng có thể hạn chế sản xuất và tăng chi phí cho các nhà sản xuất Trung Quốc trong những tháng tới.

Tình trạng thiếu điện do chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhu cầu công nghiệp mạnh và giá hàng hóa cao cũng nhiều nhà máy ngừng sản xuất, trong đó có Apple và Tesla, kể từ cuối tháng 9.

Các nhà máy ở các tỉnh phía Đông như Quảng Đông và Chiết Giang, hai địa phương mạnh về xuất khẩu, đã được yêu cầu ngừng sản xuất trong suốt tuần nay.

Trước kia, các nhà máy có thể hoạt động về ban đêm, song giờ đây buộc phải dừng hoạt động trong 24 giờ trong những ngày có điện luân phiên. Các nhà chức trách đã yêu cầu các công ty sản xuất công nghiệp dừng sử dụng nguồn điện của nhà nước trong 3 ngày làm việc trong tuần này.

Tuy nhiên, ông Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại công ty phân tích và dự báo Oxford Economics lạc quan rằng triển vọng xuất khẩu trong những quý tới vẫn ổn định, bất chấp những khó khăn trong ngắn hạn.

Ông nhận định tình trạng hoạt động sản xuất gián đoạn sẽ được cải thiện trong những tháng tới và xa hơn nữa, Trung Quốc nên củng cố hoạt động xuất khẩu dựa trên sự phục hồi kinh tế toàn cầu và việc cải thiện từng bước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong năm tới.

Dữ liệu gần đây đã cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chững lại khi chỉ số Quản lý thu mua (PMI) bất ngờ giảm vào tháng 9 khi các công ty công nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng và tình trạng cắt điện luân phiên.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản - động lực chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - đang "chìm" trong các bê bối vỡ nợ. Doanh số bất động sản đã sụt giảm trong khi các dự án xây mới cũng bắt đầu đình trệ./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
4 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại