Giá than châu Âu nhảy vọt khi EU xem xét loại bỏ nhập khẩu than từ Nga
Hợp đồng tương lai giá than của châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần, được thúc đẩy bởi các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về việc loại bỏ nhập khẩu than của Nga.
Hợp đồng tương lai giá than châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung.
Sự tăng vọt của giá than ở châu Âu cùng với sự gia tăng trên khắp thế giới khi xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy người dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho than của Nga, vốn chiếm gần 18% lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2020. Khi thương mại than toàn cầu thắt chặt, giá than của Mỹ đã tăng trên 100 USD/tấn, lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Nga là nhà cung cấp than nhiệt hàng đầu của châu Âu, được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và sản xuất điện. Theo dữ liệu của cơ quan thống kê châu Âu, EU đã nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU đã nhập khẩu 36,5% lượng dầu từ nước này và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga.
Trong khi nhiên liệu cho đến nay vẫn chưa bị trừng phạt trực tiếp, nhưng các công ty năng lượng đã phải vật lộn để có được nguồn cung cấp từ Nga. Nhiều ngân hàng đang từ chối cấp vốn cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, điều này buộc một số công ty tiện ích lớn nhất của lục địa này phải mua than ở Nam Phi và Australia.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, các biện pháp trừng phạt do EU đề xuất sẽ được bổ sung vào một gói các bước nhằm tăng cường các biện pháp hiện có sẽ được các đại sứ EU tranh luận trong tuần này. Chi tiết về lệnh cấm và thời gian loại bỏ than từ Nga vẫn đang được thảo luận và EU hiện không có kế hoạch trừng phạt dầu hoặc khí đốt.
Bên cạnh đó, một quan chức Đức cho biết, nước này đã sẵn sàng xem xét lệnh cấm vận than đá của Nga và đang thảo luận với EU về thời điểm của một động thái như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết: “Chúng tôi muốn trong thời gian ngắn ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu năng lượng của Nga sang Liên minh châu Âu và Đức sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga. Chúng tôi phải gây thêm áp lực lên chính quyền Nga và chúng tôi phải cô lập Nga - chúng tôi phải cắt mọi mối quan hệ kinh tế với Nga, nhưng hiện tại thì không thể cắt nguồn cung cấp khí đốt”.
Thierry Bros, cựu nhà phân tích năng lượng và hiện là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris cho biết: “Đây là một động thái tốt cho cả việc tránh phụ thuộc vào Nga và rời khỏi than đá. Chúng ta có thể thay thế loại than này bằng than và khí đốt khác. Nếu chúng ta có thể thay thế một nửa lượng than của Nga bằng khí đốt, thì nhu cầu khí đốt của chúng ta sẽ tăng thêm 20 tỷ mét khối một năm. Điều này có thể kiểm soát được nếu chúng ta không cấm vận khí đốt”.
Bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với than của Nga sẽ gây áp lực lên nguồn cung vốn đã căng thẳng. Theo khảo sát hàng tuần của Argus Media, than dự trữ ở các bến cảng Amsterdam, Rotterdam và Antwerp vẫn ở mức thấp nhất trong mùa trong vòng ít nhất sáu năm.
Nhà phân tích Fabian Ronningen tại Rystad Energy cho biết: “Biện pháp trừng phạt được đề xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhập khẩu than của châu Âu và làm cho tình hình cung cấp than trong nội bộ EU trở nên thắt chặt hơn. Nhập khẩu than tổng thể sang châu Âu đã giảm trong những năm gần đây do tỷ trọng than trong ngành điện giảm, nhưng tỷ trọng đến từ Nga lại tăng ồ ạt”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận