Gia tăng tín dụng chính thức “đè bẹp” tín dụng đen
Theo các chuyên gia, cần phải gia tăng tín dụng chính thức ngoài hệ thống ngân hàng, cho nhiều tổ chức cá nhân tham gia vào việc cho vay, thì mới “đè bẹp” được hoạt động tín dụng đen.
Vay 10 triệu đồng thành nợ 300 triệu đồng, thế chấp clip nóng, ảnh nhạy cảm rồi bán dâm vì 12 bát họ, hay khiêng quan tài đi đòi nợ,... là những gì đã diễn ra trong thời gian vừa qua, phản ánh tình hình “tín dụng đen” có chiều hướng ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Vay app sau trả nợ app trước
Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết tại một toạ đàm về tín dụng đen, các đối tượng tội phạm hiện nay đã thay đổi nhiều hình thức hoạt động, như thông qua các phần mềm điện tử, môi trường mạng, các ứng dụng (app) cho vay, mà người bị hại hầu hết dùng điện thoại thông minh đều có thể truy cập, ký kết hợp đồng vay nợ. Với các đoạn hết sức tinh vi, người bị hại khó có thể nhận diện được các điều khoản cam kết bất lợi và trái pháp luật với mức lãi suất rất cao khi vay tiền.
Trong khi đó, nếu người vay không có điều kiện để trả nợ, thì lại có một người khác môi giới để sang vay ở app khác, dẫn đến việc một người có thể vay tiền ở 4-5 app với lãi suất cực cao, gây ra câu chuyện vay app sau trả cho app trước và đưa những món nợ từ vài triệu đến cả vài trăm triệu.
Trao đổi với phóng viên, LS. Trương Thanh Đức, giám đốc công ty luật ANVI lý giải, có nhiều yếu tố bất hợp pháp liên quan đến tín dụng đen, mà mấu chốt bao giờ cũng phải xuất hiện đó là sự đòi nợ bất hợp pháp, gây sức ép giống như xã hội đen. Đó cũng chính là câu chuyện gây nhức nhối, mất trật tự trị an, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe con người. Tuy nhiên, đã đòi nợ như vậy thì cũng phải có những động tác trực tiếp, hoặc qua các phương tiện thông tin hoàn toàn có thể nắm bắt được.
Thực tế, trả nợ là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của người đi vay trong hợp đồng vay và đốc thúc thu hồi nợ, cũng là việc làm cần thiết với những khoản vay trả chậm, song, việc vay và đòi nợ cần được ứng xử văn minh từ cả hai phía.
Tăng tín dụng chính thức
Theo LS. Trương Thanh Đức, người dân phải hết sức quan tâm lưu ý đến việc đi vay thì khả năng trả nợ thế nào, nếu không trả nợ được thì có bị rơi vào tình trạng tín dụng đen đòi nợ hay không. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ phải lưu ý rằng, đây là một hiện tượng xã hội nhắm đến những người nghèo, thành phần số đông những người khó khăn, để có biện pháp mạnh mẽ kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người dân.
Để hoạt động tín dụng một cách lành mạnh, cần phải gia tăng tín dụng chính thức ngoài hệ thống ngân hàng, phải tính đến cho nhiều tổ chức cá nhân tham gia vào việc cho vay, thì mới đáp ứng được nhu cầu (ảnh minh hoạ)
“Khi người cho vay hoặc người đi vay kiện ra tòa hay cơ quan chức năng, đều sẽ được giải quyết bằng pháp luật. Ví dụ, Bộ Luật Dân sự quy định rất rõ, mọi khoản vay lãi suất không quá 20% một năm, mọi hình thức đòi nợ trái quy định sẽ không được phép thực hiện và phải dựa vào bản án của tòa, rồi thi hành án. Tuy nhiên trên thực tế, điều khó ở chỗ chứng minh thế nào là lãi suất vượt quá, vì các đối tượng luôn lách dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đồng quan điểm trên, để cải thiện tình trạng tín dụng đen lộng hành, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw cũng nêu ra một số các giải pháp như:
“Về công tác quản lý, đối với những ứng dụng app trôi nổi trên thị trường, cơ quan công an và cơ quan quản lý thông tin truyền thông của Việt Nam có thể liệt kê danh sách những app đó và liên hệ với các nhà cung cấp kho ứng dụng như Apple Store hay Google Play,... để yêu cầu những đơn vị này loại bỏ các app đó ra khỏi kho ứng dụng. Đặc biệt, cơ quan công an cần tăng cường điều tra, xử lý và đưa ra truy tố những đối tượng đứng đằng sau các app trá hình này, tìm hiểu nguồn tiền thực sự, cũng như tìm được các nạn nhân tố cáo về hành vi này”, LS. Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận