menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Đình Đạt

Gia tăng số công ty Mỹ hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc

Một số công ty Mỹ ở Trung Quốc đang tăng tốc di chuyển ra khỏi đại lục, khi thuế quan ngày càng tăng tiếp tục gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ. Thông tin trên đến từ cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải thực hiện, được công bố hôm thứ Tư.

Hơn một phần tư số doanh nhân được hỏi - hay 26,5% - cho biết trong năm vừa qua, họ đã chuyển hướng đầu tư dự kiến ​​ban đầu là vào Trung Quốc sang các khu vực khác. Con số này tăng 6,9 điểm phần trăm so với khảo sát năm ngoái, báo cáo của AmCham cho biết, đồng thời lưu ý rằng các ngành công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ có mức độ thay đổi cao nhất về điều chỉnh địa điểm đầu tư.

Nghiên cứu, được thực hiện với sự hợp tác của PwC, đã khảo sát 333 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải. Nó được tiến hành từ ngày 27/6 đến ngày 25/7 - trong giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại và trước khi leo thang thuế quan mới nhất.

Các công ty của Mỹ ở đại lục cũng cho biết những hạn chế trong việc tiếp cận thị trường địa phương đã khiến họ gặp khó khăn trong triển khai kế hoạch kinh doanh của mình, báo cáo cho biết.

Khi được hỏi về các kịch bản tốt nhất có thể đạt được sau các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, hơn 40% số doanh nhân cho biết tiếp cận nhiều hơn vào thị trường nội địa là kết quả quan trọng nhất mà họ mong đợi sẽ giúp doanh nghiệp của họ thành công. Tiếp theo đó là hơn 28% xếp bảo vệ sở hữu trí tuệ được cải thiện là vấn đề them chốt.

Chiếm tỷ lệ cao thứ ba mới là các doanh nhân mong muốn các cuộc đàm phán thương mại giúp cải thiện việc tăng mua hàng hóa từ Mỹ, chỉ chiếm 14,3% số ý kiến. Điều đó là trái ngược việc chính quyền Trump nỗ lực nhằm thúc ép Trung Quốc mua nhiều hơn sản phẩm của Mỹ, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Khó khăn tiếp cận thị trường

Một trong những khiếu nại lâu nay của các công ty Mỹ về hoạt động tại Trung Quốc là nhiều ngành công nghiệp đóng cửa đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong các lĩnh vực mở hơn cũng rất khó để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty tư nhân có thể được hưởng lợi từ chính sách hoặc các kết nối với địa phương.

Các yêu cầu đối với doanh nghiệp nước ngoài như buộc phải chuyển giao công nghệ quan trọng cho các đối tác phía Trung Quốc và thiếu bảo vệ sở hữu trí tuệ chỉ là một số trong các thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt khi hoạt động tại Trung Quốc.

Cuộc khảo sát mới nhất của AmCham cho thấy việc tiếp cận thị trường địa phương vẫn là một trong những vấn đề chính mà các công ty gặp phải, với hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi chia sẻ ý kiến này - hay 56,4% - họ cho biết việc xin giấy phép hoạt động là không dễ dàng.

Xét theo ngành, lĩnh vực mà việc tiếp cận thị trường có sự cải thiện nhất là ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. 81% số doanh nghiệp được hỏi cho biết môi trường kinh doanh tốt hơn với việc Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy tắc sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cho phép sở hữu nước ngoài chiếm đa số trong liên doanh chứng khoán và tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của phía nước ngoài.

Dù vậy, những người tham gia khảo sát cũng ghi nhận sự cải thiện tổng thể trong gần như tất cả các vấn đề mà họ quan tâm - bao gồm cả bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Tỷ lệ các doanh nghiệp cho biết chính phủ Trung Quốc đối xử bình đẳng với các công ty nước ngoài và trong nước cũng tăng từ 34% lên 40% trong cuộc khảo sát mới nhất.

Thuế quan làm tổn thương công ty Mỹ

Theo một báo cáo tháng 8 từ công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, sự hiện diện kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ, với các công ty Mỹ và các chi nhánh của họ đã kiếm được hơn 450 tỷ đô la doanh số tại quốc gia châu Á này. Phân tích cũng chỉ ra rằng doanh số bán hàng cao gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc.

Nhưng, thuế quan trả đũa từ cả hai phía đang ảnh hưởng đến doanh thu và khiến một số công ty Mỹ thay đổi chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc, cuộc khảo sát của AmCham cho biết.

Nếu Washington áp đặt tất cả các nghĩa vụ thuế quan như đã đe dọa, về cơ bản, tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu thuế tính đến cuối năm nay. Để đối phó với thuế quan ngày càng tăng của Mỹ, Bắc Kinh đã đáp trả bằng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Chỉ hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết doanh thu đã giảm do thuế quan tăng. Một phần ba trong số đó cho biết sự sụt giảm tới mức từ 1% đến 10% doanh thu.

Dù vậy, lợi nhuận chung không giảm trong năm 2018, khảo sát cho biết. Nhưng, doanh thu và tỷ suất lợi nhuận đã giảm trong năm ngoái, đặc biệt là so với các hoạt động ở các quốc gia khác. Mức độ bi quan tăng 14 điểm phần trăm lên khoảng 21% - những người được hỏi cảm thấy ít lạc quan hơn về triển vọng của năm 2019, một phần do nền kinh tế trong nước chậm lại.

Điểm sáng vẫn còn với kinh doanh ở Trung Quốc

Cuộc khảo sát, tuy vậy, vẫn tìm thấy một số lĩnh vực có được cảm nhận lạc quan. Các ngành dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học đời sống được xếp hạng trong số các ngành có nhiều người trả lời cho biết doanh thu năm ngoái có sự tăng trưởng. Đó cũng là lĩnh vực đứng thứ hai về số người được hỏi tỏ ra lạc quan nhất về năm 2019.

Báo cáo của AmCham cho biết triển vọng tích cực như vậy “có khả năng là do sự thay đổi chính sách của chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả việc phê duyệt giấy phép nhập khẩu thuốc ngoại nhanh hơn”.

Hơn hai phần ba các công ty trong ngành thực phẩm và nông nghiệp đã lên kế hoạch tăng đầu tư vào năm 2019, cao nhất trong các ngành khảo sát, báo cáo cho biết. Các công ty bán lẻ và tiêu dùng cũng có ý định đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ nơi vẫn nhìn thấy cơ hội tăng trưởng lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại giữa hai gã khổng lồ kinh tế. Trong số những người được khảo sát, 35% dự đoán căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục trong 1 đến 3 năm nữa, trong khi gần 13% nói rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục trong 3 đến 6 năm. Khoảng 17% thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán rằng xung đột thương mại sẽ kéo dài vô tận.

“2019 sẽ là một năm khó khăn, khi không có dấu hiệu về một thỏa thuận thương mại được thông qua; nhưng nếu không có thỏa thuận thương mại nào hết, 2020 có thể còn tồi tệ hơn”, báo cáo cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại