Gia tăng nguy cơ Mỹ và Nga "va chạm" vì Ukraine
Trong bối cảnh tình hình về vấn đề Ukraine ngày càng căng thẳng, Mỹ và Ngadường như đang lún sâu hơn nữa vào cuộc chiến thông tin.
Truyền thông Nga dẫn nhận định của giới chuyên gia nước này cảnh báo việc Mỹ sẵn sàng triển khai lực lượng tới Đông Âu như những tuyên bố trước đó sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra đối đầu với Moskva. Trong khi đó, phía Mỹ tiếp tục cảnh báo sẽ áp đặt đòn trừng phạt đối với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Mosvka xâm chiếm Kiev.
Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết Lầu Năm Góc đã đặt khoảng 8.500 binh sỹ Mỹ trong tình trạng báo động cao ở châu Âu và Mỹ sẵn sàng triển khai binh lính đến bờ Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu cần thiết. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này có thể triển khai binh lính trong ngắn hạn, song loại bỏ khả năng "đơn phương" điều quân đến Ukraine vốn không phải là thành viên của NATO. Nga cho biết nước này đang theo dõi những động thái tiếp theo của Mỹ với mối quan ngại sâu sắc, đồng thời cáo buộc Mỹ thổi bùng căng thẳng về vấn đề Ukraine.
Kiev và các quốc gia phương Tây gần đây bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các “hành động gây hấn” của Nga gần biên giới Ukraine. Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc như vậy, tuyên bố không đe dọa và không có ý định tấn công bất kỳ ai, và cho rằng “sự xâm lược của Nga” được sử dụng như một cái cớ để NATO đặt thêm thiết bị quân sự gần biên giới Nga.
Cuộc chiến thông tin chưa kết thúc
Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Igor Korotchenko đồng thời là Tổng biên tập tạp chí “Phòng thủ quốc gia" của Nga cho rằng việc Mỹ có khả năng điều động quân tới châu Âu có thể làm gia tăng nguy cơ "va chạm" với Nga. Chuyên gia này nói: "Trước hết, binh lính Mỹ có thể được triển khai ở Ba Lan và các nước Baltic. Đây là sự tiếp nối chính sách đối đầu của Washington thay vì đưa ra các đảm bảo an ninh cho Nga. Mỹ thổi phồng tình hình, tạo ra sự leo thang nguy hiểm. Tất cả những điều này gây lo ngại và tất nhiên, cuối cùng có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ quân sự thực sự”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 cho biết ông sẽ xem xét áp đặt các đòn trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Putin nếu Nga xâm chiếm Ukraine. Lâu nay, Biden cảnh báo Moskva sẽ hứng chịu những hậu quả kinh tế và việc cân nhắc các đòn trừng phạt cá nhân là một chỉ dấu cho thấy thái độ cứng rắn hơn nữa của nhà lãnh đạo Mỹ. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Biden cho rằng nếu Nga điều khoảng 100.000 binh sỹ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine thì đây sẽ là cuộc "xâm chiếm lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai" và sẽ "làm thay đổi thế giới". Khi được hỏi liệu ông sẽ áp đặt đòn trừng phạt trực tiếp đối với Tổng thống Putin hay không, Tổng thống Mỹ đáp: "Có, tôi sẽ cân nhắc điều đó".
Việc Mỹ áp đặt những đòn trừng phạt trực tiếp đối với lãnh đạo nước ngoài là rất hy hữu song không phải là không có tiền lệ. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cựu lãnh đạo Libya Muammer Gaddafi đã phải đối mặt với đòn trừng phạt kiểu này.
"Con bài" trừng phạt không đơn giản
Hiện Washington đã kêu gọi tất cả các đồng minh của mình đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế để trừng phạt Nga nếu nước này tiến hành tấn công Ukraine. Thế nhưng, cho đến nay châu Âu vẫn chưa có được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt với Moskva. Mặc dù đã thảo luận về các biện pháp có thể áp đặt đối với Nga nếu nước này tấn công quốc gia láng giềng Ukraine, nhưng ngoại trưởng các nước thành viên EU chưa tìm được tiếng nói chung.
Việc dùng con bài nhập khẩu dầu và khí đốt của châu Âu từ Nga làm đòn bẩy có vẻ là một lựa chọn khả thi, nhưng khó có thể đưa ra con bài này mà không gây phương hại cho chính EU. Theo Reuters, EU hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga. Bất kỳ gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt từ Nga cũng gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Được biết, giới chức cấp cao của chính quyền Biden hiện đang đàm phán với các nước và công ty sản xuất và cung cấp năng lượng trên thế giới về khả năng cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Đề xuất đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu đã bị từ chối sau khi một số quốc gia, dẫn đầu là Đức, phản đối động thái này. Cho đến nay, EU mới chỉ cam kết viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trong cuộc họp, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố gói viện trợ mới trị giá 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) cho Ukraine. Phát biểu trước báo giới tại Brussels, bà Leyen cho biết gói này sẽ giúp Ukraine giải quyết nhu cầu tài chính do xung đột.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận