Gia tăng hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ
Thời gian qua các ngân hàng rất tích cực triển khai các hoạt động dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là sản phẩm bancassurance và dịch vụ này đã mang lại cho nhiều nhà băng những khoản thu không nhỏ...
Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song hầu hết các ngân hàng vẫn duy trì hoạt động thông suốt và kinh doanh hiệu quả. Theo chuyên gia, một trong những động lực tăng trưởng chính của ngân hàng là việc đa dạng hoá nguồn thu, tăng thu dịch vụ. Theo đó, phần lớn các nhà băng hiện nay đều đã ghi nhận những con số tích cực từ thu dịch vụ, tạo tỷ lệ hợp lý giữa nguồn thu tín dụng và phi tín dụng.
Báo cáo từ một loạt các ngân hàng trong quý I/2021 cho thấy thu từ dịch vụ tăng trưởng đáng kể: Vietcombank lãi thuần từ dịch vụ tăng 3.437 tỷ đồng - gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. BIDV, Techcombank, VietinBank, MB, VPBank, Sacombank, ACB, VIB và SCB… đều là những ngân hàng có lãi thuần dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ đồng trong quý I. Trong đó, SCB có tỷ trọng thu lãi từ dịch vụ chiếm tới 60% tổng thu nhập, Vietcombank và Sacombank cũng là hai ngân hàng có tỷ trọng thu lãi từ dịch vụ cao.
Hay tại SHB, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB thông tin, lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng này trong quý I/2021 tăng trưởng lần lượt 13,2% và 19,2% so với cùng kỳ - tương ứng 126,5 tỷ đồng và 53,5 tỷ đồng. Đặc biệt trong quý I/2021, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của SHB ghi nhận lãi 51,8 tỷ đồng - cao hơn 27 lần so với cùng kỳ, các hoạt động khác của ngân hàng này cũng báo lãi tăng gấp 16 lần (94,8 tỷ đồng)…
Theo ước tính của SSI Research, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng năm nay được nhận định tiếp tục tăng khoảng 8,7% so với năm 2020 do thu nhập thuần từ phí phục hồi, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, phí trả trước từ các thương vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) độc quyền và doanh thu bancassurance cũng đã đem lại khoản phí trả trước lớn, giúp các ngân hàng mở rộng nguồn thu dịch vụ từ phí hoa hồng bảo hiểm trong dài hạn.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua các ngân hàng rất tích cực triển khai các hoạt động dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là sản phẩm bancassurance và dịch vụ này đã mang lại cho nhiều nhà băng những khoản thu không nhỏ. Năm 2021, một loạt các thương vụ bancassurance tái đàm phán độc quyền cũng hứa hẹn giúp các ngân hàng có khoản phí trả trước và hoa hồng cao hơn.
Chẳng hạn như MSB, việc bắt tay với Prudential vào tháng 4 năm nay để phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm, theo tính toán thì mức phí lót tay trả trước của thương vụ độc quyền này có thể lên tới 3.500 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm của MSB dự báo tăng trưởng 30 - 40% trong 5 năm tới. Hay với ACB, từ 1/1/2021 ngân hàng này phân phối độc quyền sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam trong vòng 15 năm, khoản phí trả trước cho hợp đồng là 370 triệu USD; mức phí trả trước ngân hàng ước nhận được từ công ty bảo hiểm lên tới 101 USD/khách hàng…
Có thể thấy sự phát triển của công nghệ đã kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ ngân hàng dựa trên khả năng kết nối của internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Chuyên gia cho rằng việc các nhà băng ngày càng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo ra các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số cũng giúp cho nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng giao dịch điện tử, đóng góp thêm vào doanh thu từ hoạt động ngoài lãi của ngân hàng.
Công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 mới đây, phía VietinBank cho biết ngân hàng này thu thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 3.000 tỷ đồng - tăng 27,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, theo ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc VietinBank, thu từ dịch vụ ngân hàng điện tử của VietinBank tăng 48%. Hay với việc cung cấp nhiều giải pháp thông qua hệ sinh thái của các tập đoàn lớn nhằm tiếp cận thêm nhiều nhóm khách hàng mục tiêu, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân tại Techcombank quý I/2021 đã đạt lần lượt 136,9 triệu giao dịch - tăng 88,6% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 2,0 triệu tỷ đồng - tăng 101,8% so với cùng kỳ 2020…
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng cho hay, ngân hàng này đã triển khai số hoá và tự động hoá trong hầu hết quy trình, sản phẩm, dịch vụ ở tất cả các mảng nghiệp vụ, tập trung hướng khách hàng tới mô hình vận hành digital first, giảm thiểu tương tác tại vật lý. Việc ứng dụng robot cho tự động hoá, quản lý quy trình nghiệp vụ… trong giao dịch, phê duyệt online đã giúp cho TPBank có thể tăng thu hoạt động phi tín dụng, tiết kiệm chi phí nhân lực, đồng thời triển khai dịch vụ mới, đổi mới giám sát hoạt động…
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính chia sẻ, trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng được Thống đốc NHNN ký ban hành mới đây cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2025, tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số, tối thiểu 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số… Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với đòi hỏi là các nhà băng cần tập trung xây dựng những sản phẩm mũi nhọn có tính đột phá để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; khai thác triệt để công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận