Gia tăng giá trị cho thẻ nội địa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Các chuyên gia cho rằng trên nền tảng thẻ chip, hoàn toàn có thể phối hợp để đa dạng hoá dịch vụ, bởi vậy các ngân hàng cần đẩy mạnh việc kết nối tới các hệ sinh thái nhằm tăng gia tăng các tiện ích liên quan đến tín dụng, thanh toán như y tế, bảo hiểm, giáo dục; thanh toán dịch vụ công…
Thẻ chip là xu hướng tất yếu
Năm 2021 ước tính số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tăng trưởng 16%; số lượng thanh toán qua internet tăng trên 50%; thanh toán qua kênh điện thoại di động và giá trị thanh toán tăng gần 100%. Đặc biệt hình thức thanh toán mới QRcode còn đạt mức tăng trưởng gần 130% về giá trị thanh toán.
Những kết quả khả quan này có được phần lớn do nhiều chính sách, quy định thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Mới đây nhất là Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021- 2025 do NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho hay, theo Đề án được phê duyệt, định hướng chiến lược cùng những giải pháp cụ thể cho giai đoạn tới, trong đó thẻ chip được xác định là một mũi phát triển nhằm đẩy mạnh hơn TTKDTM.
“Đến thời điểm cuối năm nay, theo như lộ trình đặt ra từ nhiều năm trước, chúng ta sẽ nỗ lực chuyển đổi toàn bộ sang thẻ chip để đáp ứng hai việc, vừa phòng ngừa rủi ro do sử dụng công nghệ thẻ cũ (thẻ từ), vừa phát triển được nền tảng mới thẻ chip đảm bảo an ninh an toàn. Không chỉ đảm bảo an ninh, bảo mật, công nghệ thẻ chip dựa trên những bộ nhớ lớn hơn, có thể giúp tích hợp những phần mềm, mở ra một không gian phát triển mới cho thị trường thẻ, các tổ chức phát hành thẻ và cả hệ sinh thái chấp nhận thẻ”, ông Dũng nhìn nhận.
Tính cấp thiết cũng như lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đều đã rõ ràng, song theo bà Phan Thanh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank, thực tiễn quá trình chuyển đổi vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Như việc các ngân hàng dù đã rất chủ động song vẫn phải phụ thuộc vào nhu cầu, ý chí, hành vi của khách hàng sử dụng thẻ. Đó là chưa kể hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi thẻ của các ngân hàng khi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhiều khách hàng không đến tiếp nhận kích hoạt thẻ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Chủ tịch Chi Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam nhận thấy, nhiều NHTW tại các quốc gia khác cũng cần một thời gian đủ dài để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin, từ đó có sự thay đổi về ý thức, hành vi đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Đơn cử như NHTW Indonesia thực hiện chuyển đổi từ năm 2015, nhưng tới cuối năm nay dự kiến mới hoàn thành. Hay Thái Lan thực hiện chuyển đổi trên 60 triệu thẻ từ năm 2016 và cũng mất bốn năm (tới 2020) mới hoàn tất quá trình này.
Bà Oanh chia sẻ, dù số lượng thẻ lưu hành lớn và một khách hàng có thể có nhiều thẻ tại nhiều ngân hàng, nhưng đa phần họ chỉ sử dụng một thẻ. Những thẻ còn lại gần như là “ngủ đông”. “Những thẻ khách hàng không hoạt động, không có giao dịch gì trên 12 tháng thì các ngân hàng nên đưa vào diện chưa thực hiện chuyển đổi, ưu tiên dành nguồn lực chuyển đổi cho những khách hàng đã kích hoạt thẻ và sử dụng lâu dài. Điều này sẽ giúp tiết kiệm cho các NHTM rất nhiều bởi ngân sách cho việc chuyển đổi này có thể ngốn đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng”, bà Oanh đề xuất.
Thúc đẩy hệ sinh thái
Về mặt số liệu, có thể thấy quá trình chuyển đổi tương đối tích cực. Trong năm 2020, lượng thẻ chuyển đổi đạt hơn 10%; nhưng sang 2021, tới hết tháng 11/2021 thì lượng chuyển đổi đã là gần 40%. Lượng giao dịch qua hệ thống Napas bằng thẻ chip lên đến khoảng 50%. Rõ ràng, việc sử dụng thẻ chip đã tích cực hơn và tần suất sử dụng cao hơn so với mức trung bình theo hành vi tiêu dùng của khách hàng. Theo chuyên gia, cùng với thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công nghệ thẻ, bên cung cấp dịch vụ phải đồng thời có những giải pháp khai thác giá trị gia tăng cho thẻ chip.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ, chi phí người sử dụng phải trả cho các tổ chức thẻ quốc tế là rất lớn. Điều này làm cho chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ khách hàng có thể tiếp cận với thẻ tín dụng quốc tế, thường rơi vào đối tượng khách hàng có thu nhập khá trở lên. Xuất phát từ thực tế này, cuối năm 2020 và trong suốt năm 2021, NHNN đã cùng với NAPAS có những động thái để thúc đẩy các ngân hàng thành viên tham gia trên thị trường cùng ký những thoả thuận phát hành thẻ tín dụng nội địa. Mục tiêu phát hành thẻ tín dụng nội địa nhằm giúp cho một bộ phận đông đảo người dân tiếp cận được với loại hình chi tiêu này một cách chính thức, qua đó hạn chế tín dụng đen.
“Một trong những việc quan trọng mà các ngân hàng, NAPAS cũng như NHNN đang nỗ lực để thực hiện đó là làm sao để dữ liệu thẻ chip ngân hàng kết hợp được với dữ liệu trên căn cước công dân gắn chip. Từ đó giúp nhận diện chính xác người sở hữu thẻ, giảm bớt rủi ro liên quan đến nhận diện nhầm thì mới thúc đẩy được cho vay trên thẻ nội địa. NHNN cũng có cơ sở để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho ngân hàng tăng gia tăng dịch vụ đối với thẻ phi vật lý, thẻ chip”, bà Oanh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bá Tuyến - Phó Giám đốc khối Ngân hàng số LienVietPostBank, phải làm sao để hơn 100 triệu thẻ hiện nay sau khi chuyển đổi khách hàng có thể sử dụng thuận tiện được, không cần phải phát sinh thêm thẻ khác, chỉ cần một thẻ và ứng dụng cho tất cả tiện ích. Như vậy sẽ giúp công tác chuyển đổi tích cực hơn, công nghệ sớm đi vào cuộc sống hơn.
Phó Tổng Giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh cũng thông tin, NAPAS xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS trên di động để hỗ trợ cá thể hoá thông tin thẻ trên di động, biến điện thoại di động trở thành thẻ thanh toán cũng như thành thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Đồng thời nghiên cứu để tiếp tục đưa ra bộ tiêu chuẩn thanh toán trực tuyến theo đúng tiêu chuẩn tương thích với EMV, đáp ứng đầy đủ toàn diện nhu cầu thị trường. Ông Minh cũng tin tưởng quá trình chuyển đổi đạt được một tỷ lệ nhất định sẽ tạo ra phong cách tiêu dùng mới, tạo cú hích cho người dân chấp nhận thẻ chip rộng rãi hơn.
Các chuyên gia cho rằng trên nền tảng thẻ chip, hoàn toàn có thể phối hợp để đa dạng hoá dịch vụ, bởi vậy các ngân hàng cần đẩy mạnh việc kết nối tới các hệ sinh thái nhằm tăng gia tăng các tiện ích liên quan đến tín dụng, thanh toán như y tế, bảo hiểm, giáo dục; thanh toán dịch vụ công…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận