Gia tăng 'bigcap', tạo sân chơi lớn đón dòng vốn hàng tỷ USD
Theo chuyên gia, để gia tăng cổ phiếu vốn hóa lớn (bigcap) trên thị trường chứng khoán để đón sóng nâng hạng, cơ quan quản lý nên có chế tài buộc các doanh nghiệp trên sàn UPCoM chuyển sang niêm yết tại HoSE nếu đủ chất lượng, quy mô.
Doanh nghiệp lớn không mặn mà niêm yết
“Khan hàng” trên thị trường chứng khoán là bài toán nan giải trong những năm gần đây khi số lượng doanh nghiệp niêm yết mới rất ít. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn đều sụt giảm so với cùng kỳ. Như vậy, số doanh nghiệp lên sàn đang ít hơn số doanh nghiệp rời bỏ sàn chứng khoán mỗi năm.
Trong khi đó, nhiều tên tuổi lớn, lâu đời trên thương trường như Biti’s, Thaco, Ba Huân, Tân Hiệp Phát,… đều thờ ơ với kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Về phía khối ngoại, nhiều doanh nghiệp FDI đã phát triển ở thị trường Việt Nam hàng chục năm qua cũng chưa từng đề cập về kế hoạch lên sàn chứng khoán Việt. Một số doanh nghiệp FDI lớn từng hé lộ về kế hoạch niêm yết, tuy nhiên đều là câu chuyện của 2-3 năm về trước và cho đến nay vẫn chưa có thêm động thái nào.
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết doanh nghiệp niêm yết mới trong 3 năm qua rất ít, đa phần các doanh nghiệp niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) trong thời gian qua đều chuyển từ sàn UPCoM. Nguyên nhân chính gây nên sự khan hiếm hàng mới là do bản thân doanh nghiệp không mong muốn được niêm yết.
“Việc đăng ký niêm yết trên sàn mất quá nhiều thời gian để đáp ứng các tiêu chí, trong khi đó lại không mang lại được lợi ích mà doanh nghiệp kỳ vọng là thu hút vốn và quảng bá hình ảnh”, ông Nguyễn Đức Nhân cho biết. Theo ông, rào cản niêm yết hiện nay đang quá chặt chẽ đối với các doanh nghiệp niêm yết mới.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022-2023, thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều “đội lái” với các hành vi thao túng cổ phiếu bị khởi tố. Hệ quả từ việc quản lý lỏng lẻo thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tiêu cực liên đới tới thị trường cổ phiếu, làm xấu đi hình ảnh của thị trường. Ông Nhân cho rằng các doanh nghiệp không muốn niêm yết trong bối cảnh như vậy.
Ngoài ra, vị chuyên gia này đánh giá số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng như doanh nghiệp vốn hoá lớn đang ở mức vừa đủ với một thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam, điều này khiến nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lo ngại về khả năng huy động khi lên sàn do nguồn vốn nội và ngoại vào thị trường chứng khoán đều đã đạt đến giới hạn nhất định, trừ khi thị trường được nâng hạng.
Gia tăng “bigcap” để đón sóng nâng hạng
Theo ông Nguyễn Đức Nhân, việc sàn niêm yết thiếu vắng những doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn hơn so với các thị trường lân cận. Hiện các doanh nghiệp vốn hoá lớn trên HoSE phần lớn đến từ nhóm tài chính, ngân hàng và bất động sản, do đó sự lựa chọn dành cho các “cá mập lớn” là không nhiều.
“Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ ngang bằng Lào và Myanmar, kém hơn các thị trường mới nổi như Malaysia, Indonesia, Philippines và thua hẳn so với Singapore – thị trường phát triển với vốn hoá gấp 3 lần so với Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Nhân cho biết.
Theo vị chuyên gia này, việc gia tăng cổ phiếu vốn hoá lớn (bigcap) đóng vai trò rất quan trọng để đón sóng nâng hạng thị trường. Khi được nâng hạng, các tổ chức và định chế tài chính được dự báo sẽ rót hàng chục tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Với việc đa phần cổ phiếu bigcap chất lượng hiện tại đang hết room ngoại, ông Nguyễn Đức Nhân cho rằng việc cung ứng lượng hàng hoá mới là cần thiết để có sân chơi công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài lớn đến với thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, việc gia tăng bigcap cũng sẽ kích hoạt thanh khoản thị trường lên tầm cao mới. Ông Nguyễn Đức Nhân cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm xuất hiện các phiên giao dịch 3 tỷ USD khi lượng cổ phiếu bigcap chất lượng được bổ sung vào giao dịch. Theo ông, với mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, thời gian để gia tăng bigcap, đón sóng nâng hạng thị trường không còn nhiều.
Khơi dậy mong muốn niêm yết
Để gia tăng bigcap trên thị trường chứng khoán, theo chuyên gia của KBSV, cơ quan quản lý nên có chế tài buộc các doanh nghiệp trên sàn UPCoM chuyển sang niêm yết tại HoSE nếu đủ chất lượng, quy mô. Hành động này tương đương với việc HoSE loại các doanh nghiệp niêm yết không đáp ứng được các tiêu chí của sàn này về UPCoM. Thứ hai, doanh nghiệp đã đạt tiêu là công ty chí đại chúng bắt buộc phải giao dịch cổ phiếu ít nhất trên sàn UPCoM, khi đạt tiêu chí phải bắt buộc niêm yết trên HoSE hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Nhân cũng đề xuất cơ quan quản lý cải tiến các thủ tục, làm mềm chế tài quản lý để doanh nghiệp có “mong muốn” niêm yết, thay vì phải “thúc đẩy” niêm yết như hiện nay. “Bản chất của việc “thúc đẩy” nghĩa là doanh nghiệp không tìm thấy nguồn lợi khi niêm yết trong bối cảnh kênh dẫn vốn đạt tới mức giới hạn khi chúng ta chỉ loanh quanh ở thị trường cận biên, trong khi các chế tài quản lý lại quá khắt khe, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Nhân cho hay.
Ngoài ra, giới phân tích còn cho rằng các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá để tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng số lượng hàng hoá trên sàn qua đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài như giai đoạn 2016-2017. Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vốn hoá cỡ vừa (midcap) có thể phát triển thành doanh nghiệp bigcap như hỗ trợ vốn, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ về chính sách.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận