Giá sản xuất tại Mỹ tăng 10,8% trong tháng 5
Chỉ số giá sản xuất tháng 5 tại Mỹ tăng chậm hơn so với tháng 4/2022. Đà tăng giá năng lượng và phí vận tải góp phần giữ chi phí sản xuất tại Mỹ ở ngưỡng cao.
Ngày 14/6, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất, thước đo lạm phát trước khi đến tay người tiêu dùng, tăng với tốc độ chậm hơn một chút vào tháng trước so với tháng 4/2022, khi tăng 10,9% so với một năm trước đó và giảm từ mức 11,5% hàng năm đạt được vào tháng 3.
Tính trên cơ sở hàng tháng, giá sản xuất tại Mỹ tăng 0,8% trong tháng 5/2022 so với tháng 4/2022, cao hơn tháng trước nữa khi tăng 0,4%. Giá năng lượng, dẫn đầu là khí đốt, đã tăng 5% chỉ trong tháng 5/2022 so với tháng 4/2022. Một nguyên nhân lớn khác của việc tăng giá trong tháng trước là chi phí vận chuyển hàng hóa bằng xe tải tăng mạnh 2,9%, một dấu hiệu cho thấy các vấn đề của chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Trong khi đó, chi phí về thực phẩm tại Mỹ vẫn không thay đổi.
Các số liệu trên đã chỉ ra rằng giá cả tăng sẽ tiếp tục "xói mòn" tiền lương của người dân Mỹ và tác động tới ngân sách hộ gia đình trong những tháng tới. Lạm phát đã tạo ra những sức ép lớn đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất nhanh chóng nhằm mục đích làm chậm nền kinh tế và hạ nhiệt tăng giá. Vào cuối tuần trước, Chính phủ Mỹ cho biết lạm phát, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng lên mức cao mới trong 40 năm, khi đạt mức 8,6% vào tháng 5/2022.
Chi phí khí đốt và thực phẩm tăng mạnh hơn do xung đột giữa Nga và Ukraine, trong khi chi phí thuê, ô tô mới và cũ, chăm sóc y tế và quần áo cũng tăng, những bằng chứng cho thấy lạm phát đang lan rộng hơn trong nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,75% vào thứ 4, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, khi Fed tăng cường nỗ lực kiềm chế vấn đề giá cả đang cao hơn.
Chi tiêu của người tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, từ đó lấn át chuỗi cung ứng, tạo ra tình trạng thiếu hụt trong một số trường hợp và đẩy giá lên cao.
Nhu cầu đi du lịch trong mùa xuân và mùa hè năm nay tại Mỹ lớn hơn cũng khiến giá khách sạn và giá vé máy bay tăng vọt. Nhu cầu tiêu dùng đó sẽ tồn tại trong bao lâu là một câu hỏi quan trọng đối với nền kinh tế trong tương lai.
Hàng triệu người Mỹ đã được tăng lương trong năm qua, bao gồm cả những người lao động có thu nhập thấp hơn tại các nhà hàng, khách sạn và nhà kho.
Người tiêu dùng cũng tiết kiệm nhiều hơn từ các đợt kích thích của chính phủ, đồng thời cũng bởi họ không thể chi tiêu nhiều cho việc đi du lịch và giải trí trong hai năm qua. Những khoản tiết kiệm đó đang hỗ trợ chi tiêu liên tục ngay cả trong bối cảnh giá cả tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận