menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Dương Bốn

Giá quặng sắt tăng, lợi nhuận các hãng thép tụt dốc

Các hãng thép trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang trải qua thời kỳ kinh doanh khó khăn khi quặng sắt đã tăng vọt gần 70% trong năm nay do nguồn cung suy giảm.

Quặng sắt, nguyên liệu chính của thép, là một trong những hàng hóa được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và có thể tác động đến giá của các loại vật liệu sử dụng cho mọi thứ từ ô tô cho đến các tòa nhà chọc trời.

Ngành công nghiệp sắt thép toàn cầu sử dụng gần 2 tỉ tấn quặng sắt cùng với than cốc và sắt tái chế để sản xuất 1.700 tỉ tấn thép thô mỗi năm, theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA).

Quặng sắt là một trong những tài sản tăng giá tốt nhất trong năm nay. Tuần đầu tháng 7, giá quặng sắt trên thị trường thế giới chạm mức 126,35 đô la Mỹ/tấn, tăng mạnh so với mức giá gần 73 đô la/tấn ở thời điểm đầu năm 2019. Giá quặng sắt hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1-2014, theo công ty thông tin thị trường hàng hóa S&P Global Platts.

Tại Trung Quốc, cơn tăng giá gần đây của quặng sắt thật sự gây lo ngại, khiến các công ty thép ở nước này hối thúc các cơ quan quản lý tìm cách ổn định thị trường. Các mối lo ngại về việc Trung Quốc sẽ can thiệp để hạ nhiệt thị trường đã khiến giá quặng sắt giảm hơn 6% hôm 5-7. Dù vậy đến ngày 18-7, giá quặng sắt đã hồi phục về trên mức 120 đô la/tấn.

Hồi đầu tháng 7, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) kêu gọi chính phủ điều tra để “duy trì trật tự bình thường trên thị trường quặng sắt”. Trong khi đó, các công ty thép lớn nhất Trung Quốc đã tự thành lập một nhóm riêng để điều tra “các yếu tố phi thị thường” đang đẩy giá quặng sắt tăng vọt.

Phó Chủ tịch CISA, Qu Xiuli, cho biết lợi nhuận của các công thép Trung Quốc giảm 18% trong 5 tháng đầu năm nay vì chi phí mua quặng sắt tăng cao. Bà nói: “Giá thép giảm nhưng giá quặng sắt lại tăng và điều này có nghĩa là mức lợi nhuận của các công ty thép Trung Quốc tiếp tục giảm”.

Nhiều nhà sản xuất thép trên thế giới cũng than vãn rằng biên lợi nhuận của họ bị ép chặt khi chi phí quặng sắt tăng mạnh. Tháng trước, hãng thép U.S Steel (Mỹ) cho biết đang xoay sở với chi phí nguyên liệu thô tăng cao ở châu Âu và đã phải dừng hoạt động một lò cao ở châu Âu và hai lò cao ở Mỹ.

Đà tăng giá mạnh của quặng sắt trong năm nay chủ yếu do các nguồn cung đang suy giảm ở Úc và Brazil, hai trung tâm sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới. Tại Brazil, tập đoàn khai khoáng Vale, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, đã phải tạm dừng công suất khai thác 93 triệu tấn quặng sắt sau sự cố vỡ đập chất thải Brumadinho xảy ra hồi tháng 1-2019 ở mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, Brazil, khiến ít nhất 237 người thiệt mạng.

Tại Úc, các công ty khai thác quặng sắt đang đối mặt các khó khăn trong phục hồi sản xuất sau khi thời tiết bất lợi và sự cố hỏa hoạn làm gián đoạn hoạt động của một số mỏ quặng sắt. Những diễn biến này xuất hiện giữa lúc sản xuất thép đang bùng nổ. Trong 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thép số một thế giới, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó sản lượng thép ở Mỹ cũng tăng 6,2% trong cùng thời gian.

Các tập đoàn khai thác quặng sắt đang được hưởng lợi lớn nhờ cơn bùng nổ giá. Tập đoàn khai khoáng đa quốc gia Rio Tinto, một trong những nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, cho biết cứ mỗi 10 đô la tăng giá ở một tấn quặng sắt, tập đoàn này có thêm 2 tỉ đô la dòng tiền tự do. Giá cổ phiếu của Rio Tinto trên sàn giao dịch chứng khoán New York đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Tính theo năm tài chính 2018 kết thúc vào cuối tháng 6-2019 vừa qua, sản lượng quặng sắt của Úc giảm 1% về mức 890 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên sản lượng quặng sắt ở Úc giảm trong 20 năm qua.

Các kho dự trữ quặng sắt ở các cảng của Trung Quốc đang giảm nhanh và một số nhà phân tích dự báo giá quặng sắt có thể còn tăng lên cao hơn nếu các kho dự trữ này tiếp tục giảm. Hiện tại, các kho dự trữ này chỉ còn gần 115 triệu tấn quặng sắt, chỉ đủ cung ứng cho các công ty thép Trung Quốc trong vòng chưa đến bốn tuần.

Thông thường các chuyến tàu chở quặng sắt từ Úc và Brazil phải mất nhiều tuần mới cập các cảng Trung Quốc.
“Lần gần đây nhất khi chúng ta chứng kiến quặng sắt dự trữ chỉ đủ cung ứng cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc trong ba tuần, giá quặng sắt đã lao đến mức 140 đô la/tấn”, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup viết trong một báo cáo gửi cho các khách hàng gần đây.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo nhu cầu quặng sắt toàn cầu sẽ vượt nguồn cung khoảng 100 triệu tấn trong năm nay và điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá quặng sắt trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả