menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Giá phân bón tăng tác động mạnh đến sản xuất

Nông dân đối mặt khủng hoảng giá phân bón....

Trong hoàn cảnh khan hiếm nguồn cung, việc đảm bảo đủ nguồn cung phân bón trong nước là rất cần thiết và các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ bình ổn giá phân bón cho bà con nông dân duy trì các vùng nguyên liệu...

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới. Tại Việt Nam, trong nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón (Urê, DAP, Kali) đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ ba từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay.

Hầu hết các doanh nghiệp, đại lý phân bón đều nhận định trong khoảng vài tháng tới giá phân bón có thể tiếp tục “leo thang” vì Nga là quốc gia cung cấp gần 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Trong khi đó, các lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc chưa được dỡ bỏ sẽ khiến khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là Kali và DAP.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV) dự báo giá phân Ure nhiều khả năng sẽ đạt mức 800 USD/tấn trong tháng 4/2022, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn. Giá phân DAP cũng sẽ đạt mức 950 USD/tấn trong tháng tới và khả năng cán mức 1.200 USD/tấn khi Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vụ sản xuất mới vào đầu tháng 4/2022.

Riêng đối với Việt Nam, FAV cho rằng, do thiếu nguồn hàng từ Nga và Belarus nhiều khả năng đến tháng 6/2022 giá Kali nhập khẩu sẽ được đẩy lên mức 800 - 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng. Trong tháng tới, các địa phương phía Bắc sẽ vào vụ chăm bón lúa Đông Xuân nên nhu cầu phân bón sẽ tăng dần. Tại phía Nam, từ giữa tháng 3/2022 lúa Đông Xuân đã thu hoạch được khoảng trên 500.000 ha (30% diện tích xuống giống) nên nhu cầu phân bón cho vụ mới sẽ nhanh chóng tăng trở lại. Vì thế giá Kali và DAP có thể sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo tính toán của các đại lý phân bón và nhà vườn, chi phí đầu tư phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, thời tiết và thổ nhưỡng, sẽ dao động khoảng từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Với việc giá phân bón leo thang như hiện nay hàng triệu hộ nông dân sản xuất lúa và các loại cây trồng khác sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ. Giá các loại phân chính như DAP, Kali, Ure nếu tăng 30-40% đến cuối năm có thể sẽ dẫn tới tình trạng bỏ vườn, không tiếp tục chăm sóc vì càng chăm càng lỗ.

Trước bối cảnh giá phân biến động mạnh như trên, ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng, Bộ Tài chính, Cơ quan Thuế có thể xem xét bỏ thuế nhập khẩu và thuế phòng vệ đồng thời hạn chế xuất khẩu phân bón để bình ổn giá phân bón trong nước.

Song song đó, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký FAV cho rằng, theo kinh nghiệm một số quốc gia (như Ấn Độ) khi giá phân bón tăng, Chính phủ đã có những chính sách trợ cấp để người nông dân không phải chịu giá quá cao. Vì thế Việt Nam cũng có thể tham khảo để triển khai.

Ngoài ra, theo ông Hà, hiện nay các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: Ure, DAP, Supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK, chỉ có Kali và SA vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong hoàn cảnh khan hiếm nguồn cung, việc đảm bảo đủ nguồn cung phân bón trong nước là rất cần thiết và các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ bình ổn giá phân bón cho bà con nông dân duy trì các vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, về lâu dài ngành nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục các giải pháp thay thế các loại phân bón vi sinh thay vì phụ thuộc vào phân vô cơ nhập khẩu, đồng thời thực hiện tốt tiêu chuẩn “5 đúng” (đúng chủng loại, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ và đúng phương pháp) để tiết giảm chi phí phân bón trên cùng một diện tích, chủng loại cây trồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại