Giá phân bón tăng phi mã, lên mức cao nhất trong 50 năm
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), giá phân bón đang tăng phi mã, lên mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây do những diễn biến tăng theo giá thế giới.
Tại các tỉnh ĐBSCL, trong tháng qua, giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000- 1.900 đồng/kg so với tháng trước. Hiện giá bán lẻ DAP nội địa dao động quanh mức 22.400 đồng/kg, kali 19.500 đồng/kg, urê 18.200 đồng/kg.
Dẫn lời Pháp Luật TP. HCM, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.
Đặc biệt, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine (hai cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới). Riêng với Nga, từ ngày 10/3 vừa qua đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.
Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, hằng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali do nguồn cung phân bón thế giới khó tăng lên, cộng với nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP. HCM, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Bùi Thế Chuyên khẳng định nguồn cung phân bón cho thị trường trong nước vẫn đảm bảo. Bốn nhà máy sản xuất phân đạm urê với công suất 2,65 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu mỗi năm của Việt Nam dao động 1,8-2 triệu tấn nên hoàn toàn dư cung. Phân NPK cũng có mức dư cung rất lớn nên phải tìm đường xuất khẩu.
Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hiện tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất phân bón hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế là có thể đáp ứng nhu cầu phân đạm và phân lân trong nước. Đối với phân kali, nước ta không có mỏ muối kali nên bắt buộc phải dựa vào nguồn cung từ nhập khẩu.
Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,54 triệu tấn phân bón, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón và Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết bộ đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong dự thảo nghị định có đề cập nội dung tăng thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón.
Theo ông Phùng Hà, việc áp thuế xuất khẩu 5% chỉ nên áp dụng tạm thời trong những thời điểm nhất định khi nguồn cung thiếu hụt, giá thế giới tăng quá cao. Ở Trung Quốc, năm 2021 và một số năm trước, nước này áp thuế xuất khẩu cho 2 loại phân bón urê và DAP vào thời gian mà người dân nước này sử dụng ít (từ tháng 7 đến tháng 10) với mức thuế xuất khẩu 7%. Còn khi dân vào cao điểm mùa vụ, thuế xuất khẩu lên tới 110%.
Cũng theo Hiệp hội phân bón, mục tiêu tăng thu ngân sách từ phân bón nếu áp thuế xuất khẩu 5% theo như Bộ Tài chính đưa ra là khó khả thi, vì thuế xuất khẩu với urê nếu được áp vẫn không thay đổi, là 5%, còn nguồn thu từ thuế xuất khẩu với phân bón NPK có thể giảm vì số lượng xuất khẩu có thể giảm khi sức cạnh tranh yếu đi. Phân bón vô cơ có nhiều chủng loại, cần đánh giá và áp dụng riêng thuế suất với từng chủng loại.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố chiều 9/5 cho thấy Việt Nam xuất khẩu 627.932 tấn phân bón, thu về 412 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời Việt Nam cũng chi tới 595 triệu USD để nhập khẩu 1,252 triệu tấn phân bón trong 4 tháng đầu năm. Trong đó có gần một nửa kim ngạch nhập khẩu là từ thị trường Trung Quốc. Năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,3 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,4 tỷ USD để nhập về 4,5 triệu tấn phân bón các loại. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận