24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Quang Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá phân bón tăng phi mã khi đứt gãy nguồn cung từ Nga, hệ luỵ nào cho thị trường?

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, cùng với một loạt vấn đề đã xuất hiện từ trước, đang khiến giá phân bón tăng cao kỷ lục và gây ra những hệ lụy tai hại.

Thị trường phân bón chao đảo

Kể từ đầu năm 2022, giá nguyên liệu thô để sản xuất phân bón đã tăng hơn 30%. Đà tăng hiện nay đã vượt quá mức từng thấy trong cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng năm 2008, theo thông tin từ công ty tư vấn hàng hóa CRU (Anh).

Nguồn cung thực phẩm và phân bón toàn cầu vốn chỉ tập trung ở một số ít quốc gia. Riêng về xuất khẩu các mặt hàng này, Nga và Ukraine là hai trong các mắt xích quan trọng nhất thế giới.

Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu phân đạm lớn nhất hành tinh, đồng thời đứng thứ hai về nguồn cung phân kali và phân lân, theo dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Hoạt động thương mại giữa Nga và thế giới vẫn tiếp tục, nhưng đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi doanh nghiệp và tàu chở hàng ngại tìm tới Nga vì tình hình chiến sự, ông Chris Lawson - trưởng bộ phận phân tích thị trường phân bón của CRU, cho hay.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin còn ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu phân bón ra nước ngoài. Điều này được dự đoán là sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khá lớn trên thị trường thực phẩm toàn cầu.

Giá phân bón tăng phi mã khi đứt gãy nguồn cung từ Nga, hệ luỵ nào cho thị trường?
Công nhân đóng gói một bao phân bón tại Nga. (Ảnh: RT).

Ông Lawson nói thêm: "Ngoài ra, khí đốt là một nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón. Giá khí đốt quá cao đã dẫn đến việc sản lượng phân bón ở các khu vực như châu Âu đi xuống, qua đó thắt chặt nguồn cung vốn đã eo hẹp trên thị trường".

Các lệnh cấm vận đối với Belarus - một đồng minh của Nga, cũng gây tác động đáng kể đến thị trường phân kali. Hai quốc gia này chiếm tổng cộng hơn 40% khối lượng giao dịch kali hàng năm.

Theo vị chuyên gia của CRU, nông dân ở các thị trường phát triển đã được hưởng lợi khi giá nông sản tăng cao, phần nào giúp họ bù đắp chi phí đầu vào. Song, khi giá cả tăng đột biến và nguồn cung bị thiếu hụt, nhu cầu hàng hóa có thể sụp đổ. Ông Lawson nói nguy cơ này đang ngày càng lớn hơn.

Trước vấn đề nguồn cung từ Nga và Belarus, giá phân bón đã trong xu hướng tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc và cuộc đình công của hệ thống đường sắt Canada.

"Hệ lụy tai hại"

Kể từ khi Điện Kremlin thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, đa phần sự chú ý đều đổ dồn vào việc giá năng lượng leo thang chóng mặt. Song, bài toán về nguồn cung của phân bón, lúa mì và các loại ngũ cốc khác sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Trong một báo cáo đầu tháng 3, ông Faice Montagné - Giám đốc chi nhánh Barclays tại Anh và ông Christian Keller - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, cho hay: "Quy mô và cường độ của cú sốc nguồn cung lần này có thể gây ra những hệ lụy tai hại hơn so với các đợt tăng giá trước vì áp lực lạm phát sẽ phình to hơn nữa".

Hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Quan trọng hơn hết là tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống đầu Nga đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường có thể bị đè bẹp, tương tự như khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu xảy ra năm 2008".

Giá lương thực toàn cầu từng tăng mạnh trong năm 2007 cũng như trong quý đầu tiên của năm 2008, gây ra bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội ở nhiều nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi, CNBC thông tin.

Giá phân bón tăng phi mã khi đứt gãy nguồn cung từ Nga, hệ luỵ nào cho thị trường?
Giá phân bón tăng phi mã khi đứt gãy nguồn cung từ Nga, hệ luỵ nào cho thị trường?

Quay trở lại thời điểm hiện tại, nền kinh tế chung vốn đang phải đối phó với số liệu lạm phát cao kỷ lục, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng phi mã. Chỉ số giá lương thực của FAO đã leo lên mức đỉnh lịch sử.

Đồng quan điểm, ông Chris Lawson của CRU cảnh báo rằng nếu tình trạng thiếu hụt phân bón kéo dài, sản lượng nông nghiệp sẽ bị tổn thất nặng nề và khơi mào một cuộc khủng hoảng lương thực.

Ở một ghi chú cuối tuần trước, ông John LaForge - người đứng đầu bộ phận tài sản toàn cầu của Wells Fargo, cho biết, xét theo tỷ trọng của Nga trong nguồn cung phân bón toàn cầu, các nước khác chỉ có thể bù đắp "phần nào" khoảng trống trên thị trường.

Wells Fargo nói toàn thế giới sẽ cùng cảm nhận ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giá lương thực, nếu nó thực sự xảy ra. Trong đó, một số quốc gia mới nổi sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất.

"Tóm lại, chúng tôi tin rằng cú sốc giá hàng hóa hiện nay sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng mạnh hơn và kéo dài dai dẳng hơn, Mỹ không phải ngoại lệ", Wells Fargo bày tỏ. "Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ Mỹ có thể rơi vào suy thoái, vì lượng giao dịch thương mại của nước này với Nga khá thấp".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả