Giá nông sản khởi sắc, dầu thô xuống mức thấp nhất 1 năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh đã quay trở lại bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới nhờ sự khởi sắc của các mặt hàng nông sản và kim loại. Trong khi đó, xu hướng giảm lại áp đảo đối với nhóm Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp. Chỉ số MXV- Index vẫn đảo chiều tăng nhẹ 0,33% lên 2.376 điểm, kết thúc chuỗi giảm mạnh 4 ngày liên tiếp trước đó.
Giá dầu giảm sâu ngày thứ 4 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/12, giá dầu nối dài đà giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp và gần như loại bỏ tất cả các tích lũy từ đầu năm nay. Lo ngại về suy thoái kinh tế làm mờ triển vọng tiêu thụ dầu thô đã liên tục tạo sức ép lên giá dầu. Kết phiên, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX giảm 3,02% xuống 72,01 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 2 năm sau trên sở ICE giảm 2,75% xuống 77,17 USD/thùng.
Giá dầu gần như đi ngang trong nửa đầu phiên, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư sau báo cáo của Triển vọng năng lượng nắng hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cơ quan này đã dự báo về trạng thái cung - cầu dầu thô tương đối mong manh vào quý I năm sau, với tình trạng thiếu hụt khoảng 430.000 thùng dầu/ngày do các rủi ro từ nguồn cung. Tuy nhiên, EIA cũng liên tục hạ nhu cầu tiêu thụ dầu trong quý cuối năm và cả 4 quý năm 2023 so với báo cáo tháng trước, do lo ngại về sức ép vĩ mô từ việc lãi suất tăng cao có thể đè nặng tới triển vọng tiêu thụ. Qua đó, EIA nhìn nhận cung sẽ vượt cầu trong các quý cuối năm sau và mức trung bình cho cả năm 2023.
Thông tin về việc Nga đang xem xét thiết lập giá sàn cho sản phẩm dầu thô trên thị trường không hỗ trợ nhiều cho giá khi mức giá dầu Urals hàng đầu của Nga hiện vẫn đang ở dưới mức trần giá 60 USD/thùng.
Giá dầu gặp áp lực bán mạnh mẽ hơn trong phiên tối sau báo cáo tồn kho dầu thô thương mại Mỹ hàng tuần của EIA cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của tồn kho nhiên liệu liệu chưng cất cao hơn nhiều so với dự đoán của thị trường, đạt mức hơn 5,3 triệu thùng và tồn kho xăng tăng 6,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/12. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng giảm mạnh trong tuần qua. Báo cáo tuần của EIA đang phản ánh mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ suy yếu và do đó, gây áp lực bán mạnh cho giá dầu trong phiên tối.
Bên cạnh đó, về mặt vĩ mô, Ngân hàng Trung ương Canada trong ngày hôm qua đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ năm 2008. Trước đó, nhiều nhà đầu tư đồn đoán về một mức tăng thấp hơn, song quyết định này càng đè nặng tới triển vọng kinh tế trong tương lai, góp phần gây áp lực lên giá dầu.
Tuy nhiên, với việc giá dầu đang tiến về mức 70 USD/thùng, sẽ là mức mà Chính phủ Joe Biden xem xét để có thể mua bổ sung dầu vào kho dự trữ chiến lược đang ở mức thấp sau các đợt giải phỏng dầu. Đây có thể sẽ là động lực cho sự phục hồi nhẹ của giá trong ngày hôm nay.
Giá nông sản đồng loạt hồi phục sau chuỗi giảm nhiều phiên liên tiếp
Khép lại phiên giao dịch ngày 07/12, giá ngô đã đảo chiều và hồi phục trở lại sau chuỗi lao dốc trong 6 phiên liên tiếp. Đà tăng được lan tỏa từ các mặt hàng nông sản khác nhờ có kỳ vọng ngành chăn nuôi Trung Quốc tích cực hơn sau khi mở cửa.
Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) tối qua cũng đã phát hành báo cáo Dầu khí hàng tuần với các số liệu về mức sản xuất ethanol đáng chú ý trong tuần từ 26/11 đến 02/12. Cụ thể, sản lượng ethanol đã tăng mạnh lên 1.08 triệu thùng/ngày và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Nhu cầu ngô trong sản xuất công nghiệp tăng lên đã góp phần thúc đẩy giá ngô lấy lại được sắc xanh sau đợt lao dốc vừa qua.
Trong khi đó, giá lúa mì cũng bật tăng mạnh mẽ trở lại từ mức thấp nhất trong hơn 1 năm vừa qua. Đây là phiên hồi phục đầu tiên sau chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Lực mua được đẩy mạnh khi giá đã quay trở lại vùng đi ngang trước khi xảy ra chiến tranh ở Biển Đen. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực hơn đã hỗ trợ cho giá lúa mì.
Các địa phương của Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tiến gần đến mở cửa. Điều này cũng mở ra kỳ vọng về nền kinh tế hồi phục và kéo theo triển vọng tích cực của ngành chăn nuôi. Với vị thế là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn trên thế giới để phục vụ cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thông tin trên đã hỗ trợ mạnh mẽ mặt hàng này.
Cùng chung diễn biến, đậu tương nhảy vọt và tăng hơn 1% so với mức tham chiếu. Trong phiên sáng, giá đã diễn biến tương đối giằng co trước khi lực mua dần được đẩy mạnh dần trong phiên tối. Triển vọng nhu cầu tích cực Trung Quốc là thông tin đã hỗ trợ giá.
Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 11 đạt mức 7,35 triệu tấn, thấp hơn 14% so với cùng kì năm ngoái, do mực nước sông thấp tại Mỹ khiến việc giao hàng bị chậm trễ. Tuy nhiên, con số này đã được cải thiện rất nhiều so với mức 4,14 triệu tấn trong tháng 10. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và khiến các doanh nghiệp mua hàng trong thời gian tới. Đây là thông tin nhiều khả năng đã thúc đẩy lực mua đối với đậu tương trong ngày hôm qua. Bên cạnh đó, theo bản tin Khí tượng Nông nghiệp của Embrapa, điều kiện khí hậu tại bang Mato Grosso của Brazil đều thuận lợi cho cây trồng ở hầu hết các khu vực. Dù vậy, vẫn có kỷ lục nhiều ngày không có mưa tại phía tây và đông của bang, gây ra sự chậm trễ trong hoạt động gieo trồng của nông dân. Theo nhà nghiên cứu Jorge Lulu, một số khu vực sản xuất chính của bang chỉ nhận được lượng mưa thấp từ tháng 08 đến giữa tháng 11. Điều này cũng gây ra một số lo ngại về mùa vụ và hỗ trợ giá.
Ở hướng ngược lại, công ty nghiên cứu hàng hóa Refinitiv ngày hôm qua đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Brazil lên mức 156 triệu tấn, tăng nhẹ so với dự đoán trước do thời tiết đầu mùa vụ thuận lợi và triển vọng tích cực trong dài hạn. Về cơ bản, các khu vực sản xuất chính đều nhận được lượng mưa trong hai tuần qua và cây trồng phát triển khá tốt. Đây là thông tin đã kìm hãm đà tăng của giá.
Nguồn cung trong nước ổn định đảm bảo giá thị gia súc gia cầm không tăng quá mạnh dịp Tết Nguyên đán
Theo MXV, triển vọng đà tăng của giá nông sản thế giới sẽ khó kéo dài do kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu vẫn đang khá tích cực nhờ mùa vụ ở Brazil. Còn ở thị trường nội địa, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều tích cực tái đàn nên nguồn cung trong nước về cơ bản sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước đã chuẩn bị lượng hàng tương đối lớn để sản xuất cho dịp cuối năm nên giá thức ăn chăn nuôi sẽ không tăng mạnh gây ảnh hưởng đến giá thành phẩm đầu ra.
Ghi nhận trong sáng nay, giá thịt lợn hơi trong nước dao động quanh mức 50.000 -55.000 đồng/kg, có sự giảm nhẹ ở một số tỉnh thành phía Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận