Giá nhựa tăng kỷ lục vì trời rét làm tê liệt trung tâm hóa dầu của Mỹ
Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu kết hợp với đợt giá rét lịch sử ở bang Texas, trung tâm hóa dầu của nước Mỹ, đã đẩy giá nhựa lên mức cao kỷ lục.
Dù là thành phần cơ bản để sản xuất hàng ngàn sản phẩm thông dụng hàng ngày, nhựa và các thành phần hóa chất của nhựa không giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa lớn. Vì vậy, diễn biến giá nhựa ít được chú ý cho đến khi tình trạng gián đoạn sản xuất xảy ra ở các nhà máy hóa dầu tại bang Texas hồi tháng trước do thời tiết giá rét và bão tuyết tồi tệ nhất trong lịch sử.
Gần một tháng sau khi thời tiết băng giá tấn công bang Texas và bang láng giềng Louisiana, làm tê liệt lưới điện, hơn 60% công suất sản xuất nhựa dẻo Polyvinyl Clorua (PVC) của Mỹ vẫn chưa thể vận hành trở lại, theo ICIS, nhà cung cấp dữ liệu ngành nhựa.
Hai nhà máy sản xuất khí ethylene của Công ty hóa chất LyondellBasell Industries (Hà Lan) tại bang Texas đã hoạt động trở lại sau bão tuyết nhưng nhà máy thứ ba của công ty này ở Christi, bang Texas vẫn đóng cửa. Khí ethylene là nền tảng để sản xuất các loại nhựa thiết yếu như PE, PET, PVC... được sử dụng trong các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp, bao gồm linh kiện ô tô và tã trẻ em.
Hoạt động sản xuất ở một loạt nhà máy hóa chất của các ‘ông lớn’ trong ngành dầu khí và hóa chất Exxon Mobil, Shell, Chevron Phillips Chemical, Westlake Chemical, Dow Chemical, ở vùng Vịnh Mexico của nước Mỹ, cũng bị gián đoạn.
Bob Patel, Giám đốc điều hành LyondellBasell Industries, ước tính đợt giá rét vừa qua sẽ làm giảm sản lượng nhựa polyethylene (PE) của Mỹ khoảng 12% trong năm nay.
Nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tăng cao đẩy giá nhựa PVC xuất khẩu Mỹ tăng lên mức kỷ lục 1.625 đô la Mỹ/tấn, cao gần gấp đôi chỉ trong vòng một năm. PVC là vật liệu cơ bản của ngành xây dựng, được sử dụng để sản xuất ống nhựa, lớp cách điện cáp, mái nhựa và sàn nhựa...Trong những năm gần đây, Mỹ vươn lên trở thành nhà xuất khẩu PVC lớn nhất thế giới.
Nhưng cơn tăng giá phi mã của nhựa PVC chỉ là phần nổi của tảng băng. Giá hạt nhựa polypropylene (PP), được sử dụng để sản xuất bao bì gói hàng hóa tiêu dùng, cũng đang tăng lên các mức kỷ lục, cao hơn gấp đôi so với mức giá trung bình của nó trong giai đoạn 2019-2020, theo ICIS.
Giá nhựa nhiệt dẻo polyethylene có mật độ cao (HDPE), được sử dụng để sản xuất chai đựng dầu gội đầu và bao bì thực phẩm, đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018. “Hiện nay, chúng tôi thậm chí không có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong nước, chứ chưa nói đến xuất khẩu”, Bob Patel, Giám đốc điều hành Công ty hóa chất LyondellBasell Industries (Hà Lan), nói khi đề cập đến HDPE. Patel dự báo đến quí 4, tình trạng cung cầu trên thị trường HDPE mới trở về bình thường.
Ngay cả trước khi đợt giá rẻ kỷ lục ập đến bang Texas, ngành công nghiệp hóa chất của Mỹ vẫn đang chật vật phục hồi công suất do các nhà máy hóa dầu ở bang này liên tiếp hứng các siêu bão vào năn ngoái. Điều này có nghĩa là tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhựa sẽ gây ra tác động lan rộng ở Mỹ và trên thế giới, không chỉ ở trong ngành xây dựng nhà cửa, vốn đang chịu sức ép do giá gỗ xẻ tăng vọt.
Nguồn cung nhựa bị thắt chặt giữa lúc chính phủ Mỹ vừa ban hành gói kích thích mới trị giá 1.900 tỉ đô la Mỹ và nhu cầu hàng hóa tiêu dùng đang tăng nhanh nhờ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Điều này càng làm dấy lên các lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng sốc.
Nhà phân tích Horace Chan của Bloomberg Intelligence nhận định gói kích thích này, bao gồm 50 tỉ đô la dành cho chương trình hỗ trợ những người thuê nhà, vay thế chấp mua nhà và người vô gia cư, có thể sẽ hỗ trợ cho nhu cầu PVC trong ngành xây dựng ở Mỹ trong ngắn hạn.
Về dài hạn, các hóa chất nhựa sẽ là nguồn cung cấp động lực tăng trưởng nhu cầu dầu lớn nhất khi kinh tế tăng trưởng, kéo theo nhu cầu sử dụng nhựa ở các hành hóa tiêu dùng tăng lên trên toàn cầu, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong một báo cáo về triển vọng thị trường dầu gần đây.
Jeremy Pafford, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Mỹ của ICIS cho rằng giá nhựa tăng cao rốt cục sẽ tác động đến người tiêu dùng. Dù không gây chú ý như các cơn sốt giá gần đây của sắt thép hay gỗ xẻ, chi phí đắt đỏ của các nguyên liệu nhựa bắt đầu gây tác động đến nền kinh tế thực. Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Lao động Mỹ, giá ống nhựa trong tháng 1 ở Mỹ đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu này chưa phản ánh đợt tăng giá nhựa gần đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận