menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Vân

Giá nhiều mặt hàng tăng “phi mã”, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, Bộ Tài chính lên kịch bản gì?

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có gì phải lo lắng.

Bộ Tài chính cho rằng diễn biến giá cả vừa qua cũng như triển vọng cả năm vẫn trong tầm kiểm soát...

Thời gian vừa qua, giá cả nhiều mặt hàng, trong đó giá thép và vật liệu xây dựng liên tục tăng mạnh gây quan ngại nguy cơ lạm phát tăng cao.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính cho biết đã đưa ra các kịch bản điều hành giá để phù hợp với từng thời điểm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Vẫn trong tầm kiểm soát"

Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cho biết đã liên tục theo dõi sát sao để đưa ra các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng thời điểm để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cho biết đã luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá.

Trong các kịch bản điều hành giá quý I/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép. Do giá thép xây dựng trong thời gian vừa qua tăng do biến động về cung - cầu tiêu thụ; đồng thời giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép tăng cao.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính cần ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Giá nhiều mặt hàng tăng “phi mã”, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, Bộ Tài chính lên kịch bản gì?

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau, thì trong những tháng còn lại CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.

Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Cần chủ động các kịch bản

Từ cuối tháng 4, Bộ Tài chính đã có văn bản số 64/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác điều hành giá quý I/2021 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tại văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày 14/5/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH, Bộ Tài chính ban hành công văn số 4896/BTC-QLG đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Theo đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...;

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá để có chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát; tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.

Khó dùng thuế để "ghìm cương" giá thép

Liên quan tới mặt hàng thép xây dựng, như BizLIVE đã đưa tin, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối nguồn cung ứng của một số mặt hàng trong đó có mặt hàng thép.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Cùng với đó là nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Giá nhiều mặt hàng tăng “phi mã”, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, Bộ Tài chính lên kịch bản gì?

Vừa qua, trao đổi với báo chí, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong việc hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép được quy định ở mức thấp là 0% (nhóm 72.03), 3% (nhóm 72.04) và 1% đối với phôi thép (nhóm 72.06).

Việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép thấp trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước giảm giá thành đầu vào và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đối với thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng thuộc nhóm 72.13 đến 72.16 có mức thuế suất thuế MFN là 15% đối với thép hình, thép góc và 20% đối với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và từ Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là thành viên của 14 Hiệp định thương mại tự do, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số Hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam Hàn Quốc (VKFTA)…

Như vậy, có thể thấy mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng thép đã được quy định trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của luật, đồng thời phù hợp với thực trạng phát triển của ngành thép trong nước cũng như cam kết về cắt giảm thuế quan khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và khi tham gia các Hiệp định FTA.

Vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm.

Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

“Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Quan trọng là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước”, ông Trương Bá Tuấn nói khi trao đổi trên Báo Chính phủ.

NHIỀU MẶT HÀNG ĐỒNG LOẠT TĂNG GIÁ

Trong các mặt hàng biến động tăng thời gian qua, xăng dầu là mặt hàng có biên độ tăng khá lớn. So với cùng kỳ 2020, giá xăng dầu đã tăng lên tới 60%. Tại kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 12/5, giá xăng A95 bán lẻ trong nước đã lên hơn 19.530 đồng/lít, xăng E5 hiện bán lẻ gần 18.500 đồng/lít.

Đây cũng là mặt hàng nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu giá thành của nhiều hàng hóa khác.

Ở mặt hàng thức ăn chăn nuôi, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng 5-6 đợt, tổng cộng 1.000-1.500 đồng/kg tùy loại. Và mức tăng giá thức ăn chăn nuôi được Cục Chăn nuôi nhìn nhận sẽ khó dừng trong quý II này.

Nhưng nhóm hàng có mức tăng gây sốc nhất từ đầu năm đến nay là các mặt hàng sắt thép và vật liệu xây dựng khác. Chỉ riêng 2 lần tăng giá của tháng 5/2021, mỗi tấn thép đã tăng thêm khoảng 1 triệu đồng. So với cách đây nửa năm, giá thép trong nước đã vọt tăng gấp rưỡi. Thép tăng mạnh đã kéo theo gạch, cát, đá, xi măng... đồng loạt tăng theo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại