24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ái Vy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, còn dư địa kiểm soát lạm phát?

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Mặc dù áp lực từ những biến động của tình hình thế giới, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu dự báo vẫn tăng cao nhưng dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm này còn khá lớn.

Theo PGS TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chủ yếu do giá xăng dầu tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

Một nguyên nhân tác động tới CPI tăng 6 tháng đầu năm là giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng đến gần 8% so với cùng kỳ năm trước và do giá xi măng, sắt thép, cát… tăng theo giá nhiên nguyên vật liệu đầu vào, đã làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%. Nguyên nhân góp phần kiềm chế lạm phát đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, tình hình dịch bệnh (COVID-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao nhất những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến… Một nguyên nhân “kìm” đà tăng của lạm phát đó là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra…

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% năm 2022 còn khá lớn.

“Trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng”, TS Nguyễn Đức Độ cho biết.

Giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo: Lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.

Còn theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), chỉ số CPI hiện nay khá thấp (2,44%) nhưng có lẽ chưa phản ánh đúng bởi thực tế là giá nhiều mặt hàng hóa tăng khá mạnh.

TS Lê Quốc Phương đưa ra 2 dự báo về kịch bản kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Theo đó, ở kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.

Tại kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.

Để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, TS Lê Quốc Phương cho rằng: Cần thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát linh hoạt, chủ động, ổn định giá để tháo gỡ khó khăn sản xuất và đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tránh gây tác động động hưởng lên lạm phát khi phải đồng thời thực hiện nới lỏng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Xem xét giảm thuế (bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) đối với mặt hàng xăng dầu nhằm kìm giá mặt hàng này. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến”, TS Lê Quốc Phương kiến nghị.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả