Giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy chỉ số CPI tháng 9 tăng 3,94%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 9 tăng.
Giá nguyên vật liệu đầu vào cao đẩy CPI tháng 9 tăng 0,4%
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm giảm giá, trong đó nhóm giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục giảm ở các kỳ điều chỉnh trong tháng và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 4,01% so với tháng 12/2021 và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, CPI bình quân quý III tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý III được Tổng cục Thống kê nhắc đến là giá xăng dầu trong nước bình quân trong quý tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá dầu hỏa tăng 63,6%, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,33% so với cùng kỳ năm ngoái làm CPI tăng 0,5 điểm phần trăm, giá nhóm lương thực cũng tăng 2,41%, trong đó giá gạo tăng 1,26% làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với bình quân cùng kỳ năm năm ngoái do một số nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm), giá gas tăng 18,75% (làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 9 tháng tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm…
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê cho rằng có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng là do giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021-2022 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.
Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kế Nguyễn Thị Hương, để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Trong đó phải kể đến một số chính sách rất hiệu quả như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), đến nay, Việt Nam có mức lạm phát thấp so với các nước trong khu vực là do sự điều hành linh hoạt của Chính phủ công tác điều hành giá sát sao, các chính sách về thuế, đảm bảo nguồn cung, hỗ trợ giá giúp cho doanh nghiệp, người dân giảm áp lực mặt bằng giá. Hiện nay mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ucraina chưa chấm dứt. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022, đồng thời tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận