menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Giá nguyên liệu đầu vào leo thang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước 

Giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ làm cho giá của hàng hóa tăng theo.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 tiếp tục duy trì ở mức cao với kim ngạch đạt 13,8 tỷ USD, tương đương so với nửa cuối tháng 4/2021 nhưng tăng tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021, kim ngạch nhập khẩu của nước ta đạt 87,5 triệu USD, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng cao từ đầu năm đến nay một phần là do hoạt động sản xuất trong nước phục hồi trở lại sau một năm đầy biến động trước tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng khiến kim ngạch nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể.

Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 tiếp tục tăng 2 – 7% so với nửa cuối tháng 4/2021.

Với mức tăng liên tục từ đầu năm đến nay, giá nhập khẩu một số mặt hàng trong nửa đầu tháng 5/2021 đã cao hơn 30 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có mặt hàng xăng dầu tăng gấp 2-3 lần.

Cụ thể, trong nửa đầu tháng 5/2021, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng xăng đã tăng 206,9% (đạt bình quân 674 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2020, dầu diesel tăng 112,7% (đạt bình quân 546 USD/tấn), dầu mazut và nhiên liệu bay cũng tăng 130,9% - 156,5%.

Giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô hay đậu tương trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 cũng tăng 32,8 – 40,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt bình quân 286 USD/tấn đối với ngô và 568 USD/tấn đối với đậu tương.

Tương tự, giá nhập khẩu một số loại phân bón như DAP và SA trong 15 ngày đầu tháng 5/2021 cũng đang cao hơn 48% và 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, giá nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm kim loại là sắt thép các loại và kim loại thường đang cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá nhập khẩu hầu như toàn bộ các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng chú ý là giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, xăng dầu hay chi phí logistics tăng cao từ đầu năm nay đến nay nhưng giá xuất khẩu nông sản lại tăng không tương xứng.

Theo đó, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021 đạt 1.533 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê đạt bình quân 1.686 USD/tấn, tăng 7,2%; gạo tăng 12,7%; hạt điều giảm 13,1%...

Không những vậy, việc phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng kéo theo sự tăng giá nhiều loại hàng hóa trong nước, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như tạo áp lực lên lạm phát.

Giá nguyên liệu đầu vào leo thang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước 
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Tại thị trường trong nước, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 20 - 40% nhưng doanh nghiệp chỉ tăng 10 - 15% giá thành phẩm giúp phần nào giảm bớt gánh nặng cho các hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chịu thiệt hại lớn trong khi với mức giá hiện tại với người chăn nuôi vẫn được xem là ở mức cao, nhất là trong bối cảnh giá gia cầm và giá heo hơi đang liên tục giảm.

Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 6 -7 đợt với tổng mức tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi quyết định 65 - 70% giá thành nuôi gia súc, gia cầm nên việc giá gia cầm giảm thời gia qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến người dân e ngại việc tái đàn.

Trong khi đó, tình hình giá thép tăng cao cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước lâm vào cảnh khó khăn do chi phí bị đội lên, nhiều nhà thầu được dự báo mất lãi do phụ thuộc vào nguyên liệu và giá đàm phán với chủ đầu tư.

Thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản do không thể gánh được mức tăng liên tục của giá thép trên thị trường.

Còn trên thị trường phân bón, vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL được mùa được giá, nhưng vụ Hè Thu giá phân bón tăng liên tục chưa hạ nhiệt nên lãi vụ Đông Xuân phải gánh cho vụ Hè thu.

Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu 2021, một số nơi gieo sạ sớm lúa đã làm đồng và trổ bông. Nhờ giá lúa Đông Xuân ở mức cao nên nhiều nông dân tranh thủ bán lấy tiền mua phân bón dự trữ trước để tránh bị tăng giá khi vào vụ rộ. Vì vậy, thị trường phân bón ở khu vực ĐBSCL đã nóng ngay từ đầu vụ.

Thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng phân bón tại khu vực TP Cần Thơ đã tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/bao so với vụ trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại